Ứng phó lâu dài với sạt lở

24/10/2019 - 07:44

 - Sau quan trắc đợt I-2019, trên địa bàn tỉnh có 52 đoạn sông nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài 169.330m, tăng 7.680m so kỳ quan trắc trước. Thực tế, sạt lở ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, đòi hỏi cần có giải pháp ứng phó lâu dài.

Ám ảnh với sạt lở

Mấy chục năm sống cặp bờ sông Hậu (đoạn xã Bình Mỹ, Châu Phú), ông Trần Văn Đảm chưa bao giờ chứng kiến cảnh sạt lở kinh hoàng như vụ sạt lở đoạn Quốc lộ 91 vào giữa tháng 8-2019. “Từ khi xuất hiện vết nứt trên mặt đường đến khi sạt lở diễn ra rất nhanh, sau sạt lở, công nhân tiến hành thả rọ bao cát phía ngoài, thổi cát lên cao để lấp vào đoạn sạt lở. Tuy nhiên, khi thổi cát lên cao được khoảng 1m thì đoạn giữa có hiện tượng lún xuống, công nhân bỏ chạy lên bờ thì chỉ trong tích tắc, phần cát vừa gia cố sụp xuống hết, chỉ còn thấy toàn là nước” - ông Đảm nhớ lại.

Đoạn sông Hậu sạt lở khu vực xã Bình Mỹ (Châu Phú) cũng là tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 91

Đoạn sông Hậu sạt lở khu vực xã Bình Mỹ (Châu Phú) cũng là tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 91

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, vụ sạt lở “ăn đứt” Quốc lộ 91 vào tháng 8 vừa qua thuộc đoạn cảnh báo sạt lở bờ sông Hậu dài 1.900m qua xã Bình Mỹ (từ Vàm Xáng Cây Dương đến bến phà Năng Gù, trọng yếu tại khu vực điểm 2 của Trường Tiểu học "A" Bình Mỹ). Đây là 1 trong 6 đoạn cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm. 5 đoạn còn lại gồm: đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (TX. Tân Châu) dài 6.900m (trong đó sạt lở mạnh thuộc 2 ấp Vĩnh Tường 1 và Vĩnh Lợi 2, dài 4.400m); đoạn sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) dài 3.300m (khu vực ấp Mỹ Thuận và ấp Mỹ Khánh); đoạn sông Hậu chảy qua phường Bình Đức (TP. Long Xuyên) dài 4.300m (từ bến đò Cần Xây đến đuôi kè Mỹ Bình); đoạn sông Tiền chảy qua xã Phú An (Phú Tân) dài 3.100m (thuộc ấp Phú Quới); đoạn sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới dài 3.600m (từ xã Kiến An đến chợ Mỹ Hội Đông, điểm cuối là chùa Liên Hoa).

Kết quả quan trắc đợt I-2019 của Sở TN&MT cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 52 đoạn sông nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài 169.330m (tăng 7.680m so kỳ quan trắc trước). Ngoài 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm kể trên, còn có 41 đoạn mức độ nguy hiểm và 5 đoạn mức độ trung bình. Thực tế cho thấy, gần 30 vụ sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung ở những đoạn cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Sạt lở gây ảnh hưởng đến hàng trăm căn nhà, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Thời điểm này, nước lũ đã rút nhanh, cảnh báo sạt lở vẫn còn phức tạp khi mực nước trên các sông và nước ngầm lên xuống với độ chênh lệch cao. Dưới sông, kênh, rạch, mực nước thấp làm lộ ra nhiều “hàm ếch” đã bị khoét sâu, khả năng đất đổ sập xuống khi có tác động ngoại lực hoặc mưa giông.

Chủ động sắp xếp lại dân cư

Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi, quan trắc đợt 2 và quan trắc đột xuất, kịp thời thông báo, cảnh báo tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh để chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thành dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình đáy sông để làm cơ sở cảnh báo sạt lở thời gian tới.

Sở TN&MT đề nghị Sở Giao thông- Vận tải kiểm tra, giám sát các dự án hoạt động nạo vét luồng; phối hợp cơ quan quản lý giao thông Trung ương phân luồng phương tiện và hoạt động giao thông thủy, bộ để hạn chế tác động gây ra sạt lở bờ sông ở một số địa điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần đẩy nhanh khắc phục các đoạn sạt lở đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, phối hợp các cơ quan nghiên cứu khoa học đề xuất giải pháp công trình, phi công trình ở những đoạn sông được cảnh báo mức độ nguy hiểm để chủ động hạn chế sạt lở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư tranh thủ vốn Trung ương để sớm đầu tư các cụm, tuyến dân cư, bố trí chỗ ở ổn định cho người dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm.

Cùng với những yếu tố khách quan như: thiếu hụt phù sa, bùn, cát (do một số quốc gia vùng thượng nguồn sông Mekong đắp đập ngăn dòng để khai thác thủy điện), tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường… thì còn có những nguyên nhân chủ quan khiến sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Trong đó có lý do khai thác cát bất hợp lý, tình trạng bố trí dân cư, chợ, xây dựng công trình, nhà ở cặp bờ sông, kênh, rạch. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong ứng phó sạt lở, cần có cảnh báo sớm để chủ động trước các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại. “Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc cấm cất nhà ven sông, xây dựng nhà trên bờ kênh, rạch. Khi quy hoạch khu dân cư, chợ, các công trình, phải bố trí vào sâu trong đất liền. Thường xuyên phát động phong trào trồng cây xanh và vận động người dân trồng cây xanh bảo vệ bờ” - ông Bình lưu ý.

Một nguyên nhân khác khiến sạt lở nghiêm trọng hơn là nhiều tuyến đường chính vẫn chạy dọc theo bờ sông, gây áp lực lớn khi phương tiện di chuyển liên tục. Theo các chuyên gia, đối với những đoạn sông có nguy cơ sạt lở, cần nghiên cứu xây dựng tuyến đường tránh vào sâu phía trong đất liền để phân luồng phương tiện xe khách, xe tải di chuyển. Trong đó, tuyến tránh TP. Long Xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ sạt lở đoạn sông Hậu chảy qua phường Bình Đức, tuyến tránh Quốc lộ 91 qua huyện Châu Phú sẽ giảm nguy cơ tái lập sạt lở đoạn sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ. Mới đây, chính quyền TX. Tân Châu có kế hoạch xây dựng tuyến đường tránh qua kênh Xáng Tân An. Đây là nỗ lực hạn chế sạt lở đất bờ sông ở khu vực này…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN