Ươm mầm cho những sáng tạo

11/05/2021 - 04:25

 - Được thành lập trong thời gian gần đây, Câu lạc bộ (CLB) Tin học của Trường THCS Long Phú (phường Long Phú, TX. Tân Châu, An Giang) đã kết nối học sinh với những hoạt động liên quan đến công nghệ, kỹ thuật cơ - điện tử. Mục đích lớn nhất của các hoạt động này là khơi gợi sự yêu thích, sáng tạo của học sinh đối với môn tin học và những kiến thức học được có thể ứng dụng trong học tập, cuộc sống.

“Biến” rác thải điện tử thành loa Bluetooth

Mới đây, CLB Tin học của Trường THCS Long Phú cho ra mắt sản phẩm loa Bluetooth kết nối được với các thiết bị điện tử, như: điện thoại di động, Laptop… Điều đặc biệt của sản phẩm này là được tận dụng từ rác thải điện tử, thu mua từ các vựa phế liệu, cửa hàng sửa chữa điện tử.

Thầy Nguyễn Phúc Nguyên (giáo viên phụ trách phòng quản lý thiết bị của trường, người phụ trách CLB Tin học, có ý tưởng làm sản phẩm loa Bluetooth) cho biết: “Ở trường có các thiết bị âm thanh bị hư, thanh lý rất rẻ. Thấy vậy, tôi cùng 2 em học sinh trong CLB nảy ra ý tưởng làm loa Bluetooth. Đầu tiên, dùng hộp nhựa đựng thực phẩm làm khung, tận dụng lại loa và mua thêm một số linh kiện để hoàn thành sản phẩm mới. Chi phí mua loa mới khoảng 200.000 đồng, còn khi mình tận dụng và mua thêm linh kiện thì chi phí khoảng 30.000-50.000 đồng”.

Sản phẩm loa Bluethooth được tái chế từ rác thải điện tử

Tuy là loa được tận dụng từ rác thải điện tử đã qua sử dụng, tuy nhiên chất lượng âm thanh rất tốt, không thua những sản phẩm mới được bán trên thị trường. Thầy Nguyên vừa làm, vừa hướng dẫn học sinh thực hiện để hoàn thiện sản phẩm loa Bluetooth tốt nhất, từ đó có thể phục vụ nhu cầu giảng dạy của giáo viên. Mới đây, từ sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên, học sinh của trường, những sản phẩm và hoàn thiện đã được CLB Tin học mở bán, với giá từ 150.000-250.000 đồng/cái, tùy theo kích thước lớn, nhỏ. Số tiền thu được từ bán sản phẩm này được đưa vào quỹ hoạt động của CLB Tin học.

Theo thầy Nguyên, tháng 6-2021, CLB Tin học sẽ tổ chức cuộc thi với chủ đề làm loa Bluetooth để các em cùng tham gia thực hiện. Theo đó, thầy Nguyên sẽ tập huấn cách làm và CLB Tin học sẽ phụ trách việc cung cấp linh kiện cho các lớp. Phần thưởng lớn nhất đó là sản phẩm mà các em tự làm ra được, vì thông qua hoạt động này, không chỉ giúp các em có được những kiến thức cơ bản về cơ - điện tử, mà còn hình thành ý thức tiết kiệm khi tận dụng được các loại rác thải điện tử tái chế lại những sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường.

Trải nghiệm và ứng dụng

CLB Tin học có lịch sinh hoạt định kỳ với những chủ đề được giáo viên gợi ý và các em học sinh sẽ phân nhóm thảo luận, học tập và trực tiếp thuyết trình. Theo đó, những buổi sinh hoạt đều diễn ra với không khí vui tươi, những kiến thức, kỹ năng rất thực tế, hoàn toàn có thể ứng dụng trong học tập của các em.

“Chẳng hạn, kỹ năng làm bài thuyết trình trên Powerpoint: chèn chữ, ảnh, các định dạng tạo hiệu ứng âm thanh vào từng Slide từ cơ bản đến nâng cao. Mỗi tuần sẽ học một phần nhỏ và sau đó, các em thực hành làm 1 bài thuyết trình về các chủ đề, như: danh lam thắng cảnh, anh hùng dân tộc, các món ăn, di tích hay khu vui chơi trong tỉnh. Hè này sẽ dạy cho các em chủ đề xoay quanh Adobe Photoshop, lập trình 2D và hướng đến cuộc thi thiết kế Logo cho trường để các em ứng dụng thực tế từ những kiến thức đã trải nghiệm” - thầy Nguyên thông tin.

Đây là một trong những hoạt động mô hình học tập trải nghiệm đã được Trường THCS Long Phú thực hiện nhiều năm qua. Trước đó, hơn 30 em học sinh của CLB Tin học được tham gia cuộc thi “Thiết kế ngôi nhà mơ ước”, với chủ đề thành phố xanh trên nền tảng ứng dụng Minecaft. Với hình thức dự thi trực tuyến, các em học sinh sẽ được trải nghiệm những kiến thức mới, thỏa sức sáng tạo khi ứng dụng các công nghệ mới, an toàn với môi trường, tiết kiệm năng lượng…

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích