Uống nước nhớ nguồn!

01/05/2025 - 07:08

 - Kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) là dịp để mỗi người con đất Việt khắc sâu dấu mốc lịch sử chói lọi, cũng là dịp thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thăm, tặng quà các gia đình chính sách là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

Những ngày qua, khắp mọi miền quê hương lại rộn ràng hoạt động tri ân đầy ý nghĩa trong tháng 4. Từ những buổi lễ tưởng niệm trang trọng tại các nghĩa trang liệt sĩ, những chuyến thăm hỏi ân cần tới Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công, đến chương trình nghệ thuật xúc động tái hiện một thời hoa lửa hào hùng của dân tộc. Tất cả tập hợp thành tấm lòng biết ơn sâu sắc, sự trân trọng vô bờ đối với những hy sinh cao cả.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy (sinh năm 1935, ngụ xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn) kể cho chúng tôi nghe về sự hy sinh anh dũng của chồng và con trai mình trong kháng chiến chống Mỹ. Nay sức khỏe của Mẹ đã yếu hơn nhiều. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn thấy ánh lên sự kiên cường, bất khuất của người mẹ năm xưa.

Lời căn dặn của mẹ Bảy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí: “Đang sống trong thời bình, nhưng mẹ vẫn mong thế hệ trẻ mãi nuôi dưỡng tình yêu nước mãnh liệt như thời trước. Chỉ có lòng yêu nước mới thôi thúc ta học tập, dựng xây đất nước ngày một phát triển”. Câu chuyện về cuộc đời mẹ Bảy, với những mất mát không gì bù đắp nổi, cũng là câu chuyện chung của biết bao Mẹ Việt Nam Anh hùng trên khắp Tổ quốc. Chiến tranh đã lấy đi tuổi xuân, sức khỏe của các mẹ, nhưng phẩm chất trung hậu, kiên cường, bất khuất của các mẹ vẫn mãi ngời sáng, là biểu tượng cho ý chí và sức mạnh quật cường của dân tộc.

Cũng trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách. Những lời thăm hỏi ân cần, những món quà chứa đựng tình cảm sâu nặng đã sưởi ấm trái tim người có công với cách mạng. Bày tỏ sự xúc động, bà Dương Thị Bảnh (sinh năm 1948, ngụ khóm Bắc Sơn, thị trấn Núi Sập) bộc bạch: “Tôi rất phấn khởi về những khởi sắc trong đời sống, sự đổi thay tích cực của quê hương thời gian qua. Chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương trong giai đoạn mới, xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu học tập, noi theo”.

Sau những năm tháng chiến tranh gian khổ, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Hàng loạt chính sách ưu đãi người có công được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thể hiện sự trân trọng, trách nhiệm của toàn xã hội. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thể chế hóa  quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác này.

Triệu triệu trái tim người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về TP. Hồ Chí Minh, hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ kỷ niệm Chiến thắng 30/4. Những đoàn diễu binh, diễu hành hùng tráng, hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc là lời tri ân gửi đến các Anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, những người đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu và hy sinh để đất nước có được cơ đồ tươi đẹp như hôm nay.

Nhật Quang (một bạn trẻ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Vừa kết thúc buổi học cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4, tôi và các bạn bắt xe đi TP. Hồ Chí Minh, mong có thể ghi lại những khoảnh khắc hào hùng của đoàn diễu binh, diễu hành. Được trực tiếp xem diễu binh, diễu hành trong ngày trọng đại này là mong muốn của chúng tôi; rất hạnh phúc khi có mặt tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu trong những ngày tháng 4 lịch sử”.

Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là nét đẹp văn hóa, là giá trị tinh thần sâu sắc, thấm nhuần trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Nó là sợi dây kết nối giữa quá khứ hào hùng và hiện tại tươi đẹp, là động lực để thế hệ hôm nay tiếp tục phấn đấu, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, xứng đáng với những hy sinh cao cả của cha ông.

PHƯƠNG LAN