Vaccine cho cá tra vì sao ngư dân chưa mặn mòi

16/10/2023 - 07:58

 - Cách đây hơn 10 năm, Cục Thú y Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã cấp phép cho Công ty Pharmaq (Na Uy) lưu hành vaccine Alpha Ject Panga 1. Đây là vaccine bảo vệ cá tra chống lại vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan, thận mủ.

Nguyên nhân

Tuy nhiên, đến nay đã 10 năm, từ dòng vaccine Alpha Ject Panga 1 cho đến dòng vaccine Panga 2 đã ra đời nhưng số ngư dân, doanh nghiệp (DN) tiếp cận, sử dụng vaccine để phòng bệnh cho cá tra vẫn chưa nhiều. Trong khi tại các nước phát triển nuôi cá hồi, cá rô phi, cá chẽm và các loại cá có giá trị kinh tế cao, vaccine được xem là một “lá chắn”, giúp ngư dân, DN phòng, chống lại các loại dịch bệnh trên đối tượng nuôi một cách hiệu quả nhất.

“Hiệu quả dễ nhận thấy khi sử dụng vaccine tiêm phòng cho cá tra giống là bảo vệ được cá để chống lại bệnh gan, thận mủ và bệnh xuất huyết do vi khuẩn gây ra, từ đó mang đến hiệu quả kinh tế vượt trội cho người nuôi, như: Giúp tăng tỷ lệ sống của cá với hiệu quả bảo vệ đến 90% đối với bệnh xuất huyết và 70% với bệnh gan, thận mủ.

Cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận nhờ vào việc tăng sản lượng, giảm hệ số FCR và rút ngắn thời gian nuôi. Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vì không còn dư lượng kháng sinh, góp phần tạo ra cá phi-lê chất lượng cao…” - ông Trần Vũ Em (Chi hội trưởng Chi hội Nghề nuôi thủy sản xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.

Cá sau khi được tiêm vắc xin, hiệu quả bảo vệ đến 90% đối với bệnh xuất huyết và 70% với bệnh gan, thận mủ

Ở An Giang nói riêng, ĐBSCL nói chung, trong hơn 20 năm phát triển nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, các loại dịch bệnh thường gặp trên đối tượng cá tra đó là bệnh gan, thận mủ và bệnh xuất huyết do vi khuẩn gây ra. Với 2 loại bệnh này, hàng năm, bệnh gây ra tỷ lệ cá chết trong quá trình nuôi từ cá giống lên cá thịt có thời điểm lên trên 40%. Tỷ lệ cá hao hụt trong quá trình nuôi cao đã làm cho hiệu quả kinh tế đạt thấp, hộ nuôi bị phá sản.

Nguyên nhân của dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát là do sự gia tăng về số lượng ao nuôi, mật độ thả dầy, đi kèm với sự thay đổi bất thường của thời tiết đã tạo ra một thách thức lớn cho ngư dân. Hai bệnh phổ biến và gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi cá tra là gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri và bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Cả hai bệnh đều lây lan nhanh, gây chết hàng loạt và hậu quả cuối cùng là những thiệt hại vô cùng to lớn đến người nuôi.

Giải pháp

Hiện nay, diện tích thả nuôi cá tra của toàn vùng ĐBSCL là 6.500ha, trong đó An Giang 1.235ha. Sản lượng cá thịt cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu mỗi năm lên đến 1,8 triệu tấn. Năm 2018, ngành hàng này mang về cho đất nước 2,2 tỷ USD, giải quyết cho gần 1 triệu lao động có việc làm ổn định. Cá tra trở thành ngành hàng chủ lực của An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Hiện, sản lượng nuôi hàng năm của tỉnh đạt từ 450.000 - 550.000 tấn/năm. Kim ngạch khoảng 300 triệu USD. Khả năng sản xuất con giống của tỉnh hiện từ 1,5 - 2 tỷ bột và 2 - 3 tỷ con cá giống.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng cho biết, với lợi thế, tiềm năng, kinh nghiệm trong nuôi cá tra, từ nhiều năm qua, An Giang xác định ngành hàng cá tra là ngành hàng chủ lực, có vị trí quan trọng đối với xuất khẩu và phát triển kinh tế của tỉnh. Hiện nay, ngành hàng này được định hướng sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu.

“Chủ trương của ngành trong nuôi cá tra hiện nay là phòng bệnh là trên hết, trị bệnh khi cần thiết. Ngành đang khuyến cáo ngư dân sử dụng cả 2 hình thức nói trên trong quá trình nuôi cá. Cụ thể, ngư dân, DN cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật lẫn sử dụng vaccine để bảo vệ đàn cá nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao…” - ông Dũng khuyến cáo.

Như vậy, để hiệu quả nuôi cá tra ngày càng cao, trong biện pháp kỹ thuật, ngư dân cần chọn con giống tốt, sạch bệnh, có sức đề kháng cao để thả vào ao nuôi. Cần thả cá ở một mật độ vừa phải (40 con/m2 mặt nước), giữ gìn môi trường nuôi tốt, đáp ứng các điều kiện cho cá phát triển. Mặc khác, ngư dân cần sử dụng vaccine một cách hợp lý để bảo vệ đàn cá của mình.

Để ngư dân không còn e ngại việc sử dụng vaccine tiêm cho cá giống, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân, tiếp tục tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện dịch vụ tiêm vaccine tiếp cận với ngư dân một cách nhanh chóng. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát giá tiêm vaccine hợp lý, để việc bảo vệ đàn cá nuôi bằng vaccine được triển khai rộng rãi, nhanh chóng.

MINH HIỂN