Vaccine chống Covid-19 thử nghiệm trên chuột có kết quả hứa hẹn

07/04/2020 - 14:02

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học Pittsburgh thông báo ngày 7-4 rằng họ đã phát triển được 1 loại vaccine hứa hẹn trong cuộc chiến chống Covid-19.

Cho tới nay, những đợt thử nghiệm đầu tiên trên động vật đã cho ra những kết quả hứa hẹn nhưng giai đoạn thử nghiệm trên người vẫn đang nằm trong kế hoạch. Các nhà nghiên cứu đã tận dụng những thành quả nghiên cứu từ các dịch bệnh trong quá khứ để phát triển loại vaccine này.

Ảnh minh họa: UPMC

"Chúng tôi đã có những kinh nghiệm trước đó với SARS-CoV năm 2003 và MERS-CoV năm 2014", Andrea Gambotto - đồng tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí EBioMedicine, đồng thời là giáo sư tại Trường Y Pittsburgh, Mỹ cho biết.

"Hai loại virus có liên hệ gần gũi với virus SARS-CoV-2 này có thể giúp chúng ta hiểu về một loại protein được gọi là protein gai, với ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hệ miễn dịch chống lại virus. Chúng tôi biết chính xác cần phải tấn công vào chủng virus mới này ở đâu", chuyên gia Gambotto giải thích.

Vaccine được gọi là "PittCoVacc" (Pittsburgh Coronavirus Vaccine) này hoạt động giống với cách thức của mũi tiêm phòng cúm: Sau khi tiêm các phần protein cần thiết được tạo ra từ phòng thí nghiệm vào trong cơ thể, điều đó sẽ giúp xây dựng hệ miễn dịch cho chúng ta.

Khi được thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học thấy rằng số lượng các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 tăng cao trong 2 tuần sau khi chúng được tiêm loại vaccine này.

Thay vì truyền vaccine qua một mũi kim tiêm, loại thuốc mới này sẽ sử dụng một tấm giống như băng keo cá nhân gồm 400 tinh thể hình kim siêu nhỏ. Khi tấm này được sử dụng, các tinh thể hình kim được tạo thành hoàn toàn từ đường và protein sẽ tan ra và không để lại dấu vết gì.

Theo các nhà nghiên cứu, những tấm như vậy có thể dễ dàng sản xuất với số lượng lớn ở quy mô công nghiệp. Loại vaccine này thậm chí còn không cần bảo quản lạnh trong quá trình lưu trữ hay vận chuyển.

Trước khi bắt đầu thử nghiệm trên người, các nhà nghiên cứu hiện đang hoàn tất các thủ tục để Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông qua loại thuốc này.

"Thử nghiệm trên các bệnh nhân sẽ cần tới ít nhất 1 năm và có thể lâu hơn. Tình hình cụ thể rất khác với những gì chúng ta từng thấy nên chúng tôi chưa thể nói trước quá trình thử nghiệm lâm sàng sẽ kéo dài bao lâu", Louis Falo - đồng tác giả của nghiên cứu trên, đồng thời là giáo sư và trưởng khoa da liễu thuộc Trường Y Pittsburgh nhận định.

Theo KIỀU ANH (VOV)