Theo hướng dẫn của người dân địa phương, tôi lên đỉnh núi Bà Đội sau cơn mưa rào buổi sáng. Cơn mưa đi qua, để lại những bậc thang ướt sũng. Tuy nhiên, vẫn có những nhóm khách đang lên núi để hành hương. Do núi Bà Đội chưa được phát triển du lịch, nên khách lên núi chủ yếu để chiêm bái các đấng siêu nhiên, hoặc tìm kiếm sự thư thái trong cảnh vật hoang sơ với không khí trong lành.
Vì đã có kinh nghiệm leo núi, tôi cố gắng mang theo một chiếc túi nhỏ, một chai nước để uống dọc đường. Nhưng sau vài trăm mét dốc, tôi đã ướt mồ hôi và những vật dụng mang theo trở nên nặng nề. Thi thoảng, mấy con chiếu núi to cỡ ngón tay áp út người lớn chầm chậm bò trên những bậc thang lên núi. Những du khách lần đầu bắt gặp loài vật này sẽ giật mình, bởi kích thước to với hình thù đáng sợ. Tuy nhiên, chiếu núi rất hiền lành và vô hại với con người.
Núi Bà Đội là nơi hành hương. Có rất nhiều điểm thờ cúng trên đường lên đỉnh núi. Người dân thờ phụng từ Ngọc Hoàng Thượng Đế, các vị thánh mẫu, Mẹ Nữ Oa, cho đến các vị Phật, sơn thần và Cửu huyền thất tổ. Vị trí thờ cúng thường tọa lạc ở các mỏm đá có tầm nhìn thoáng đãng, hoặc những hốc đá kỳ bí. Do núi vắng người, tôi trở thành khách độc hành. Càng lên cao, lối đi càng vắng lặng.
Khoảng lưng chừng núi, tôi bắt gặp bảng chỉ đường đến điểm thờ Mẹ Nữ Oa. Tiếp chuyện ông Tỵ, người trông coi hương khói tại điểm thờ cúng này, mới biết du khách đến cúng viếng Mẹ Nữ Oa khá đông, bởi tín ngưỡng vào công đức của vị thần trong huyền thoại. Ngoài ra, cảnh vật và không khí thoáng đãng tại nơi này cũng khiến du khách thích thú tìm đến. Trước đây, ông Tỵ đã từng trông coi một số điểm thờ cúng ở núi Tà Lơn (Vương quốc Campuchia), ông khẳng định cảnh vật bên ấy có hùng vĩ, nhưng không đẹp như vùng Bảy Núi.
Tiếp tục hành trình, tôi đi qua những cung đường quanh co để lên đỉnh Bà Đội. Đường đi khi bằng phẳng như dưới xuôi, lúc thì dốc ngược khiến bước chân du khách trở nên nặng trịch. Mồ hôi mặn chát, cay xè đầm đìa trên mặt, tôi ngồi tựa vào gốc xoài to cỡ 3 người ôm để lắng nghe âm thanh hoang sơ của núi rừng. Lúc này, huyền thoại linh thiêng về núi Bà Đội chợt hiện về trong tâm trí…
Thuở xưa, núi Bà Đội vốn có tên là Bà Đội Om, với khối đá có hình thù tương tự người phụ nữ Khmer đội cà om đi lấy nước. Trên núi có loài hạm (cọp dữ) hung tợn, hay xuống núi phá hại đời sống dân lành.
Ở phía đối diện, núi Cấm là nơi bầy cọp trắng tu hành nương náu và phò trợ dân sinh. Hai bầy cọp này thường chạm trán nhau trong quá trình sinh sống. Những trận chiến ác liệt đó, nay chỉ còn trong lời kể dân gian, nhưng cũng là dấu ấn của một thời "khai sơn phá thạch", khẩn ruộng, lập làng ở vùng Bảy Núi…
Bất chợt, tiếng người từ xa vọng lại đưa tôi trở về thực tại. Những người làm công việc gánh hàng đang hì hục mang một bồn nước to lên lắp cho nhà dân trên núi. Ở núi Bà Đội, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước mưa. Người ta xây sẵn những bồn nước lớn kiên cố, rồi thiết kế ống dẫn từ mái nhà vào, hoặc lắp những bồn nhựa được bán sẵn để trữ nước trong mùa mưa dùng quanh năm.
Ngoài ra, hầu như mọi vật dụng cần thiết cho cuộc sống đều phải dùng sức người gánh lên núi. Mỗi chuyến, người gánh lấy tiền công vài chục đến hàng trăm ngàn đồng, tùy khối lượng hàng hóa. Với chiếc bồn lớn, công vận chuyển lên núi là 500.000 đồng chia đều cho những người trong nhóm.
Càng lên cao, mồ hôi của khách bộ hành đổ càng nhiều. Lúc này, tôi gặp bà Lan (ngụ huyện Chợ Mới) là người đang sống trên núi. Bà Lan cho biết, những dịp rằm hoặc ngày cuối tuần có khá đông khách lên núi hành hương. Họ đi thành từng đoàn vài chục người, chủ yếu là khách phương xa ở tận tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang…
Các điểm khách thường đến là Sân Tiên, đỉnh núi Bà Đội, điểm thờ Ngọc Hoàng, hang thờ Cửu huyền thất tổ. Do là người phát tâm ở lại phụng thờ hương khói, quét dọn các điện thờ hàng ngày, bà cảm thấy tâm mình thanh tịnh, lòng nhẹ nhàng với cuộc sống.
Điểm đặc biệt trên đỉnh núi Bà Đội là một ngôi nhà với địa thế mát mẻ tọa lạc. Gia chủ cũng là người phát tâm tu hành. Họ vui vẻ chào đón khách phương xa, đãi nước uống, mì gói nhưng không thu phí. Khách có thể tùy hỷ ủng hộ để trang trải chi phí cho những người gánh thức ăn, nước đá lên đỉnh núi. Ngoài ra, khách có thể thoải mái vào bếp nấu mì, pha nước uống tùy thích, khiến cho lòng người trở nên vui vẻ, cởi mở để hướng về nẻo thiện.
Trên đỉnh khối đá có hình Bà Đội, gió liên tục thổi. Khung cảnh đất trời mênh mông làm lòng người lắng dịu, quên đi những muộn phiền trong cuộc sống. Ở vị trí cao nhất núi Bà Đội, có thể phóng tầm mắt ra cảnh vật xung quanh, nhất là núi Cấm hùng vĩ ở phía đối diện. Đó cũng là phần thưởng cho khách bộ hành, vì đã nỗ lực vượt qua mấy cây số dốc đứng để chinh phục đỉnh núi còn khá hoang sơ này…
Trở xuống núi với tâm thế vui vẻ, tôi cảm thấy phấn khởi bởi đã được tận hưởng thiên nhiên trong lành cùng không khí linh thiêng của đỉnh núi Bà Đội. Nếu có dịp, bạn nên thử một chuyến chinh phục đỉnh núi này, để tìm kiếm cảm giác chiến thắng bản thân và tận hưởng vẻ hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng.
THANH TIẾN