Vận động nông dân giỏi, doanh nhân nông thôn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

26/06/2020 - 05:12

 - Thực hiện Kế hoạch liên tịch số 327-KHLT/BHXH-HNDT giữa Bảo hiểm xã hội và Hội Nông dân tỉnh An Giang trong việc truyền thông, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020, từ nay đến cuối năm 2020, Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp Hội Nông dân tỉnh tập trung vận động nông dân sản xuất giỏi, doanh nhân nông thôn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tiến tới BHXH, BHYT toàn dân.

Đối thoại, giải đáp thắc mắc của các đối tượng liên quan chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình

Toàn tỉnh hiện có 82.370 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở 3 cấp đã được công nhận. Với mục đích thực hiện chính sách an sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh quyết tâm triển khai, vận động mọi nhóm đối tượng đều được tham gia BHXH, BHYT, trong đó có nhóm đối tượng tiềm năng này tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, để đảm bảo cuộc sống, được chăm sóc sức khỏe và được hưởng các chế độ BHXH theo quy định.

Đây còn là hành động phát huy tinh thần sáng tạo, tiên phong của nông dân sản xuất giỏi trong sản xuất nông nghiệp vào công cuộc tuyên truyền, vận động người thân và cộng đồng cùng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tiến tới toàn dân tham gia BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo mục đích an sinh xã hội. Đồng thời, thể hiện sự tích cực, chủ động của người dân về nhận thức tự an sinh cho chính bản thân mình, chia sẻ với cộng đồng và phát triển xã hội.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Diệp Thành Bu thông tin: "Qua truyền thông, vận động nhằm nâng cao nhận thức giúp nông dân sản xuất giỏi, doanh nhân nông thôn hiểu rõ chính sách BHXH, BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội".

Ông Bu cho biết, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp các sở, ban, ngành, hội đoàn thể thực hiện nhiều mô hình tuyên truyền, mở rộng các nhóm đối tượng tiếp cận để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời phối hợp các đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn mở chiến dịch truyền thông vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình thông qua số lao động đang hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, doanh nhân nông thôn.

Tổ chức diễn đàn nông dân giỏi, doanh nhân nông thôn An Giang, để các nông dân trực tiếp đối thoại, tiếp cận điểm mới về chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình và giải đáp những thắc mắc, nhằm nâng cao nhận thức để cho cán bộ, hội viên, nông dân nắm rõ những chế độ, chính sách và tự nguyện tham gia BHXH, BHYT, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, quyết tâm thực hiện mục tiêu BHXH cho người lao động và BHYT toàn dân. Đồng thời nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong vận động nông dân tham gia BHXH, BHYT theo chủ trương của Đảng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp giữa BHXH và Hội Nông dân vẫn còn một số hạn chế  cần khắc phục. Thực tế cho thấy, nhiều hội viên nông dân chưa nắm bắt được những thông tin cơ bản về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Chính vì thế, tâm lý nông dân còn đắn đo về lợi ích giữa việc đóng BHXH tự nguyện và gửi tiền tiết kiệm.

Do đó, chưa lựa chọn tham gia BHXH, BHYT. Thấy được hạn chế này, thời gian tới Bảo hiểm xã hội phối hợp Hội Nông dân tỉnh và các cấp sẽ đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông sâu sát địa bàn cơ sở, đến từng người dân để hiểu rõ hơn, tự nguyện tham gia BHXH, BHYT.

BHXH tự nguyện là hình thức bảo hiểm mới với nhiều ưu việt, giúp những đối tượng lao động tự do, người dân khu vực nông thôn khi tham gia sẽ giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động.

Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già (chế độ hưu trí bao gồm: hưởng lương hưu hàng tháng và trợ cấp 1 lần đối với người có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%); được cấp thẻ BHYT để khám, chữa bệnh trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân. Mức đóng BHXH tự nguyện 2020 bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn.

Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (27,8 triệu đồng). Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng/tháng.

Hiện nay, nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng: hàng tháng; 3 tháng/lần; 6 tháng/lần; 12 tháng/lần; đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần; đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định, nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Ngoài ra, thân nhân của người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và chế độ tuất tử khi người tham gia qua đời.

HẠNH CHÂU