Nỗ lực và thành công
Năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, ngành VH-TT&DL đạt những kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức quy mô lớn, chất lượng cao, thu hút đông đảo sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Ngành du lịch (DL) cũng đạt những bước tiến mới, với sự đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý Nhà nước về văn hóa” ngày càng được nâng cao và hoàn thiện, tiếp cận theo hướng chiều sâu. Bộ VH-TT&DL đã tập trung rà soát, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật chuyên ngành với 20 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” bước đầu kiến tạo không gian phát triển. Nhiều di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực.
Năm 2024, đánh dấu sự chuyển biến về công nghiệp văn hóa từ chính sách đến thực tiễn. Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước; các cơ chế, chính sách liên quan đến thúc đẩy sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện; công tác tổ chức thi hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan có tiến bộ. Thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được 1.214 huy chương quốc tế. Trong năm, khách DL quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách DL ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2023. Những con số ấn tượng này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của toàn ngành trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, tinh thần “tận tụy - chuyên nghiệp - tinh thông” được thể hiện rõ nét trong từng hoạt động, góp phần tạo nên những thành công chung.
An Giang góp “viên gạch hồng”
Đóng góp vào thành tích chung của ngành VH-TT&DL cả nước, trong năm 2024, ngành VH-TT&DL An Giang đã tập trung triển khai thực hiện, điều hành và giám sát có hiệu quả, kịp thời các chủ trương, chiến lược, các văn bản phát triển ngành của Trung ương và tỉnh, từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tập trung công tác quản lý Nhà nước, kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu với UBND tỉnh nhiều biện pháp hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các sự kiện VH-TT&DL phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của tỉnh và đất nước, lễ hội truyền thống tại địa phương phù hợp tình hình thực tế của An Giang.
Thể thao thành tích cao của tỉnh tiếp tục được củng cố và giữ vững thành tích. Các đội tuyển thể thao thành tích cao của An Giang đã thi đấu và đoạt được 425 huy chương các loại, đóng góp 8 huấn luyện viên và 45 vận động viên cho đội tuyển thể thao quốc gia và đạt nhiều thành tích, gây tiếng vang trên đấu trường quốc tế. Trong đó, vận động viên Nguyễn Thị Thật (môn xe đạp) và Võ Thị Kim Ánh (môn Boxing) của An Giang đã xuất sắc giành 2/16 suất của Việt Nam chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí của thể thao tỉnh An Giang đối với cả nước. Đặc biệt, hoạt động DL đạt nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu DL tăng trưởng tốt, đạt và vượt so kết quả cùng kỳ năm 2023 và kế hoạch năm 2024.
Tăng tốc, bứt phá trong năm mới
Năm 2025, ngành VH-TT&DL đặt mục tiêu đổi mới, sáng tạo để nâng cao vị thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, ngành VH-TT&DL phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian; quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024.
Theo đó, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, ngành VH-TT&DL tập trung thực hiện trong năm 2025, gồm: Tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, kiên quyết loại bỏ cơ chế “xin - cho”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số… Phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện, các thiết chế VH-TT&DL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành, có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao, có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê và khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.
Cùng với đó, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp. Nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu. Xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển. Tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VH-TT&DL.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm là sức mạnh trường tồn của dân tộc; phát triển thể dục - thể thao là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi bắt buộc, góp phần hình thành một dân tộc mạnh khỏe; DL là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, ngành VH-TT&DL có vai trò hết sức quan trọng, tác động sâu rộng, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu; vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh
|
THU THẢO