Văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt. Hai là, phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong bộn bề công việc của nhà nước chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24-11-1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị”. “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân”. “Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do”; phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng. “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta”. Người nêu một chân lý “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”… “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Người nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Các tiết mục văn nghệ giới thiệu những nét đẹp truyền thống của quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Ảnh: dangcongsan.vn
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội trong triển khai các nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người ngày càng chặt chẽ. Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật tiên tiến và tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động văn hóa được quan tâm. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19.
Chấn hưng và phát triển văn hóa
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, tiến bộ. “Người ta thường nói một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa... Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”- Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Để chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cấp, ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng… Trong công tác quản lý nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở.
Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả Trung ương và địa phương… Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.
Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần "tương thân tương ái", đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực, ngay trong các ngành văn hóa, các cơ quan làm công tác văn hóa…
MINH THƯ