Các đại biểu ấn tượng với vải, nhãn, thanh long…và hoa quả Việt Nam.(Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)
"Amazing!" (Rất ngạc nhiên!) là lời được thốt lên nhiều nhất từ đa số thành viên ngoại giao đoàn các nước tại Cộng hòa Séc khi đi thăm Trung tâm thương mại SAPA - khu thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc, trong ngày 22-6.
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, chuyến thăm do Đại sứ quán Việt Nam tại Séc phối hợp với Trung tâm thương mại SAPA và Hiệp hội Phu nhân Phu quân Ngoại giao tại Praha (DSA) tổ chức, nhằm giúp bạn bè quốc tế tiếp cận với văn hóa, con người và truyền thống hiếu khách của Việt Nam.
Đây là hoạt động lễ tân ngoại giao đầu tiên của DSA sau thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 tại Séc.
Tham dự sự kiện có Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng, Đại sứ Nhật Bản Hideo Suzuki và Đại sứ Iraq Sundus Albayraqdar, ông Hoàng Đình Thắng - Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại châu Âu, ông Giang Thành - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc cùng gần 30 phu nhân, phu quân thuộc DSA.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thiên Nga, phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Séc cho biết mục đích của việc tổ chức chuyến thăm cho các thành viên DSA đến với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc là để bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Đoàn thăm Chùa Vĩnh Nghiêm tại Trung tâm thương mại Sapa, Praha. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+)
Cũng thông qua sự kiện này, cộng đồng người Việt Nam tại Séc cũng hiểu hơn về hoạt động của DSA, qua đó ủng hộ và hỗ trợ Đại sứ quán làm tốt công tác vận động trong các hoạt động ngoại giao tại Cộng hòa Séc.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Ahmed Zahra - Chủ tịch DSA và là phu nhân Đại sứ Pakistan tại Séc, chia sẻ: "Đây là một sự kiện rất ấn tượng với những thành viên DSA, đặc biệt khi được tiếp cận để hiểu thêm về đất nước, con người và sự đa dạng trong văn hóa của Việt Nam. Qua sự kiện này, chúng tôi nhận thấy cộng đồng người Việt rất thân thiện và năng động. DSA hy vọng sau khi đại dịch COVID-19 qua đi, chúng tôi sẽ tổ chức các sự kiện văn hóa và rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc cũng như sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước sở tại."
Đồng quan điểm, Đại sứ Nhật Bản tại Séc Hideo Suzuki khẳng định: "Tôi cũng nhận thấy rằng cộng đồng người Việt Nam tại Séc rất mạnh mẽ, năng động. Tôi rất ấn tượng với những đặc trưng văn hóa của người Việt tại đây. Việt Nam là một quốc gia đa dạng về văn hóa. Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, đối tác tốt về thương mại và đầu tư. Hai nước cũng đang hợp tác với nhau trên rất nhiều lĩnh vực. Hy vọng mối quan hệ này sẽ tiếp tục được phát huy và thành công trong tương lai."
Chuyến thăm đã để lại hình ảnh thân thiện, mến khách và cần cù lao động của cộng đồng người Việt tại Séc, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại đang được đánh giá rất cao.
Nông sản Việt Nam tại cửa hàng thực phẩm châu Á. (Ảnh: Hồng Kỳ)
Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu tại Trung tâm thương mại Tam Da Food. (Ảnh: Hồng Kỳ)
Như Đại sứ Iraq tại Séc Sundus Albayraqdar nhận xét: "Ấn tượng của tôi là có rất nhiều ngạc nhiên khi đi tham quan Trung tâm thương mại SAPA của cộng đồng người Việt tại Séc. Ẩm thực Việt Nam cũng rất đặc biệt và hấp dẫn."
DSA thành lập vào năm 1997 và có khoảng 50 quốc gia thành viên thuộc đoàn ngoại giao tại Séc, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Phu nhân Tổng thống Cộng hòa Séc, bà Ivana Zemanova.
DSA thúc đẩy sự hiểu biết và đối thoại đa văn hóa giữa các thành viên từ các quốc gia khác nhau cũng như với người dân Séc.
DSA cũng vận động gây quỹ để thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ các tổ chức từ thiện và những người kém may mắn trong xã hội ở Cộng hòa Séc.
Theo HỒNG KỲ - CÔNG THUẬN (TTXVN)