Vấn vương làng cổ Đan Nê

17/03/2023 - 08:06

 - Có dịp đến thăm ngôi làng nhỏ Đan Nê (xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) nằm hiền hòa bên bờ sông Mã, chúng tôi không chỉ ngỡ ngàng với khung cảnh xinh đẹp, lãng mạn, trữ tình, mà còn như được trở về quá khứ. Bởi, nơi đây chính là mảnh đất đã mang trong mình sứ mệnh đặc biệt, chứng tích về địa bàn quần tụ của người nguyên thủy trên đất Việt, đồng thời là nơi chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, gắn với những câu chuyện huyền bí.

Len lỏi vào từng đường làng, khung cảnh miền quê thanh bình của làng Đan Nê nằm bên bờ sông Mã, chúng tôi lần bước đến thăm đền Đồng Cổ. Đây là ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh, được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia năm 2001.

Theo ông Trịnh Trọng Tấn (chăm sóc đền Đồng Cổ, thành viên Ban Quản lý di tích) cho biết: “Theo truyền thuyết được nhiều thế hệ cha ông (ông Từ, người có phẩm chất, đức độ, đảm nhiệm việc chăm sóc, thờ cúng tại đền) kể lại, xưa kia, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây nghỉ lại một đêm. Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng, dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Vua làm theo, quả nhiên, quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang sợ khiếp vía, rút chạy. Từ đó, nơi 3 ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế đoàn kết như kiềng 3 chân, trở nên linh thiêng. Tưởng nhớ thần Đồng Cổ, từ thời Hùng Vương, năm 2569 trước Công Nguyên, miếu Đồng Cổ đã được khởi dựng”.

Đền Đồng Cổ

Có thể nói, thần Đồng Cổ Thanh Hóa có dấu ấn sâu sắc với vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Bởi các vị thần ở đền Đồng Cổ đã giúp các triều đánh giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn. Đó là giúp Vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn, giúp vua Lý đánh thắng giặc Chiêm Thành và diệt trừ phản loạn, giúp vua Lê, chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc. Các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng nghiệm, giúp việc giữ gìn đất nước.

Chính vì những công lao to lớn ấy mà từ lúc được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 trước Công Nguyên), đến thời Lý (năm 1020) miếu liên tục được sửa sang. Đến thời Lê Trịnh (1630), miếu được xây dựng lại với quy mô to đẹp. Sau một thời gian bị hư hỏng, đến năm 1679, Tây Lương Trịnh Tạc sai người sửa sang lại và giao cho dân phụng thờ.

Trong thời chiến tranh, ngôi miếu tiếp tục bị hủy hoại. Đến năm 1996, nhân dân trong xã Yên Thọ và bà con xa quê đã đóng góp, xây dựng lại ngôi miếu để tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ.

Năm 2001, đền Đồng cổ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án bảo tồn, tôn tạo, năm 2008, khởi công xây dựng. Tháng 2 năm 2010, khánh thành giai đoạn 1 và gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngày nay, đến thăm đền Đồng Cổ, du khách sẽ được trải nghiệm không gian, bình yên, sâu lắng với hồ bán nguyệt, tham quan đền Đồng Cổ với kiến trúc độc đáo, gồm: Nhà tiền đường kết cấu 5 gian, kiến trúc hai tầng mái, trung đường rộng 3 gian, có kết cấu giáp mái với tiền đường và sau cùng là hậu cung, lưng dựa vào vách núi, được bố cục gọn gàng với lối kiến trúc cổ kính. Điều đặc biệt là trống đồng - linh vật biểu tượng của ngôi đền - được đặt ở vị trí trang trọng ở tiền đường, trung đường và hậu cung.

Ngày nay, lễ hội đền Đồng Cổ tại làng Đan Nê vẫn duy trì được những truyền thống cũ nhằm tưởng nhớ công lao của thần và cũng là lời cầu nguyện để thần phù trợ cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, đời sống người dân no đủ. Trước khi lễ hội diễn ra (ngày 12/3 âm lịch), người dân tổ chức lễ đốt áo thủy bào cho thần; ngày 15/3 (âm lịch) là chính lễ, thu hút sự tham gia của đông đảo du khách và người dân địa phương.

Vãn cảnh tại đền Đồng cổ, du khách được khám phá hang Tòng Quân - lối tắt thông từ đền Đồng cổ ra tận bờ sông Mã, thăm chùa Thanh Nguyên, chinh phục quán Triều Thiên, nơi có ngọn núi đá vôi chứng kiến bao mưa nắng, thăng trầm của lịch sử làng cổ. Đồng thời, cũng là nơi du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng dòng sông Mã vừa anh hùng vừa nên thơ, trữ tình uốn lượn quanh những làng mạc, núi non. Thấp thoáng xa xa là bóng dáng Thành nhà Hồ, vùng đất Tây Đô một thời vang bóng.

Trên đỉnh quán Triều Thiên, trong từng làn gió miên man, những người con xa quê Đồng Cổ bao năm trở về lại dạt dào cảm xúc khi nghe lại câu ngân nga: “Ai về Đồng Cổ Đan Nê/Thăm hồ bán nguyệt bốn bề non cao/Hồ Tiên thiên cổ ai đào/Để cho mặc khách bước vào bồng lai/Nơi đây có động Tam Thai/Trống trời còn vọng non đài xứ Thanh”.

 

NGỌC GIANG