Vấn vương mùi Tết

18/02/2021 - 07:01

 - Dĩ nhiên, Tết làm gì có mùi, có màu, có vị. Nếu có chăng, đó là màu, là mùi, là vị của những thứ tạo nên Tết. Với cô bạn sống xa quê của tôi, Tết có mùi nhang khói trên bàn thờ, trên mâm cơm cúng. Với mẹ tôi, Tết có mùi thơm của nồi bánh tét nửa khuya bà ngoại và các anh, chị em xúm nhau canh lửa. Với đám trẻ trong nhà tôi, Tết đậm mùi ngọt ngào của bánh kẹo, của quần áo mới… Lúc Tết về thì chẳng chú ý lắm đâu. Nhưng khi những mùi ấy nhạt dần, trả lại hương vị cuộc sống ngày thường, tự nhiên thấy vấn vương…

Ngày 29 hay 30 Tết ở miền Nam, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị xong nồi thịt kho hột vịt. Rõ ràng, món ăn này xuất hiện quanh năm suốt tháng, nhưng đến Tết lại mang một ý nghĩa đặc biệt, vô cùng hệ trọng đến mức chưa có nồi thịt xem như chưa thấy Tết. Điều ấy được thể hiện bằng việc chọn lựa nguyên liệu với số lượng nhiều hơn hẳn (thói quen kho nồi thịt ăn suốt mấy ngày Tết vẫn được duy trì, dù bây giờ có nhiều thực phẩm khác thay thế); bằng việc cẩn thận canh lửa liu riu suốt mấy tiếng đồng hồ, thủng thỉnh chờ thịt chín.

Khi tắt bếp, nồi thịt vàng bắt mắt, thơm chịu không nổi, đánh thức cơn thèm ăn của mọi người. Nhưng, phần thịt đầu tiên múc ra phải dành cúng ông bà. Lúc múc, phải chú ý múc thế nào cho gọn gàng, hợp lý, khoa học, để nồi thịt vẫn trông ngon như mới nấu. Chưa kể, hâm thịt mỗi ngày thế nào cho thịt không bị mặn, không bị hư đều cần có “bí quyết”. Khi nồi thịt vơi dần tới đáy, mùi thơm bớt dần, người ăn cũng lười gắp, tức là Tết đã trôi qua! 

Tết được đánh dấu từ ngày 23 tháng Chạp - đưa ông Công, ông Táo về trời. Người ta bắt đầu quên dần ngày dương lịch, cứ nhẩm ngày âm lịch đếm tới: 23, 24, 25 Tết… Mùi khói nhang bắt đầu vấn vít nhiều hơn, khác biệt hơn. Lúc nhỏ, chúng tôi chỉ cần “ngồi im, đừng có phá”, ngoan ngoãn xem cha mẹ tất bật chuẩn bị cúng gia tiên. Trưởng thành rồi, câu “ngồi im” ấy được truyền lại cho đám trẻ thế hệ tiếp nối, còn chúng tôi gánh trách nhiệm đứng trước bàn thờ, cung kính, trang nghiêm làm theo những gì thế hệ đi trước đã làm.

Mâm cơm ngày 23 tháng Chạp sẽ khác với mâm cơm rước ông bà tổ tiên về ăn Tết, khác với mâm cúng ngày mùng 1. Tất thảy đều đượm nồng lễ nghĩa, của truyền thống quê hương, đánh dấu từng thời khắc quan trọng của sự chuyển giao cũ - mới, sự hòa quyện của người xưa - người nay. Giữa mùi nhang, mùi thức ăn, là mùi của nỗi nhớ quay quắt. Nhớ người thân đã khuất, nhớ ký ức Tết của thời vô ưu, nhớ những điều chẳng thể lặp lại lần nữa trong đời…

Tiếp nối mùi thơm của nhang khói, là mùi của thanh tịnh khi đi lễ chùa ngày đầu năm. Việc đi lễ chùa trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, không phân biệt địa vị, tuổi tác, theo đạo Phật hay không. Họ cầu mong gia đạo bình yên, cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất đến với mình và người thân quen, dẫu biết rằng, cuộc sống vốn không có gì như ý cả, khó khăn trắc trở là chuyện bình thường. Nhưng “Tết mà”, “lên dây cót” tinh thần, chọn một niềm tin tâm linh để tặng cho chính mình, hạnh phúc lắm chứ! Dưới tượng Phật, làn khói nhang phảng phất, trong tiếng chuông mõ trầm ấm, tâm trí con người được vỗ về, an ủi, được yêu thương.

Tết còn đậm mùi thơm của hoa, của không gian sặc sỡ sắc màu. Thật ra thì, không phải hoa Tết nào cũng thơm. Nhưng chúng ta luôn cảm thấy, hoa đẹp ắt sẽ thơm, chỉ do mùi thơm nhẹ quá, nhẹ đến mức khó chạm đến được nếu khứu giác thiếu chút tinh tế. Vậy nên, từ chiều 30 tháng Chạp trở về trước, người ta yêu thích mùi rộn ràng của chợ hoa xuân, cân nhắc, quyết đoán lựa chọn những đóa hoa đẹp nhất trong bạt ngàn hoa, dịu dàng mang về nhà.

Đến chiều 30 tháng Chạp , sắc thắm của chợ hoa phai dần, nhưng lại len lỏi vào từng góc phố, từng căn nhà, thắp nên màu sắc và mùi vị của mùa Tết. Khi ấy, những bông hoa Tết dần bung mình nở rộ. Đêm giao thừa, đâu có ai nỡ ngủ. Dọn mâm cúng xong, nán lại nhấm nháp tách trà khuya, ngắm nhìn mái ấm của mình, nghe hương vị Tết tràn ngập không khí, tự kiểm đếm lại lòng mình, đời mình, chọn hướng đi cho cuộc sống tương lai.

Với từng người, Tết sẽ có nhiều mùi khác nhau, chỉ riêng có trong ký ức của họ và phụ thuộc vào phong tục tập quán đón Tết ở các vùng, miền. Đàn ông có khi thích mùi bia, rượu ngày Tết, tượng trưng cho sự họp mặt xôm tụ. Trẻ nhỏ lại thích mùi của bao lì xì, dù rằng chưa chắc được giữ, được dùng. Thế nên, tôi chẳng đủ lực để diễn tả hết trong bài khai bút đầu xuân này.

Nhưng để bài viết mang tính thời sự một chút, cô bạn tôi (năm nay không thể về quê ăn Tết, vì dịch bệnh COVID-19) bổ sung: Tết này đậm “mùi của khẩu trang hoạt tính”, bảo đảm chẳng có cái Tết nào giống như vậy trong quá khứ. Sau này, người ta sẽ kể cho con cháu nghe về “Tết mùa dịch”, vắng pháo hoa giao thừa, đặc sệt những ngày cách ly. Không ai tiếc đâu, mà sẽ nhớ một thời mình từng trải qua, xem như điểm xuyết cho cuộc sống thêm phong vị vậy mà.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH