Yên Tử cách TP. Uông Bí (Quảng Ninh) 14km về phía Tây Bắc. Xưa kia, đường lên núi Yên Tử, lên đỉnh Phù Vân huyền thoại, chỉ có một cách duy nhất là theo đường đi bộ, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông. Còn bây giờ, du khách có thêm một sự lựa chọn là theo đường cáp treo hiện đại vượt quãng đường trên 1km để có thể ngắm cảnh núi rừng Yên Tử từ trên cao, sau đó tiếp tục đi bộ đến thăm các điểm khác trong khu vực thắng cảnh.
Rất nhiều người vẫn chọn con đường du lịch truyền thống đến thăm toàn tuyến du lịch, vì họ có thể chậm rãi thăm thú tất cả những gì mà thiên nhiên đất trời tạo lập nơi đây. Đó là con đường dài trên 6km đã được gia cố bởi hàng ngàn bậc đá xếp, rất chắc chắn và thuận tiện cho dù độ dốc khá lớn.
Đường lên đỉnh Yên Tử quả thật là thử thách không nhỏ cho những ai muốn “vượt lên chính mình”, muốn tìm hiểu đến tận cùng gian khổ của người xưa quyết chí rời cung vàng điện ngọc lên núi tu hành. Tạm nghỉ mệt nơi chùa Một Mái, chúng tôi được anh làm nhiệm vụ giữ rừng chỉ dẫn nên ghé vào chùa, xin ít nước thiêng để uống và rửa mặt.
Anh cho hay, ở giữa khe núi hình thành mạch nước ngầm tự nhiên, nước nơi đây rất ngọt và thanh mát. Nhiều người địa phương hay lên núi lấy nước cho vào thùng mang về uống dần, với niềm tin uống vào thấy người khỏe hẳn ra và trị được nhiều bệnh.
Anh cũng cho hay, chùa Một Mái xưa có tên là am Ly Trần, nơi vua Trần Nhân Tông hay đọc sách, soạn kinh. Tiếp tục hành trình bằng 2 lượt cáp treo cùng những đoạn đi bộ, cuối cùng cũng đã chinh phục được đỉnh thiêng Yên Tử, với điểm viếng thăm và chụp ảnh lưu niệm tại chùa Đồng, nơi có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Nhìn lại quãng hành trình, chúng tôi thầm thán phục bởi nếu người xưa không có một quyết tâm cao thì làm sao có thể lên núi tu hành mà phương tiện duy nhất chỉ là đi bộ, chưa kể còn phải đối mặt với biết bao thú dữ.
Hơn nữa, quả thật không phải là người có căn cơ tu đạo, muốn hòa mình với thiên nhiên đất trời, tìm về bản thể thanh tịnh để hiểu rõ mình là ai, mình đến đây để làm gì và mình sẽ đi về đâu thì không thể trụ nổi nơi tịch liêu, sống đời cô độc và xem đó là một điều hạnh phúc tột bậc.
Và người có căn cơ đầu tiên và kỳ lạ nhất chính là đấng quân vương kiệt xuất Trần Nhân Tông. Ngài được sinh ra và lớn lên tại kinh đô Thăng Long, năm 1284 được tin quân giặc tập trung ở Hồ Nam tới 50 vạn tên, Vua Trần Nhân Tông liền trao cho Trần Quốc Tuấn chức Quốc công tiết chế tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang để lo chống giặc.
Ngoài ra, Trần Nhân Tông còn tổ chức triệu tập các bô lão về họp ở điện Diên Hồng để hỏi ý kiến về đường lối giữa lúc nước sôi lửa bỏng. Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông, Vua nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, từ bỏ ngai vàng, vào Yên Tử tu hành rồi hiển Phật.
Trên non Yên Tử, Ngài hoàn thiện hệ thống giáo lý của Pháp phái Trúc Lâm để sau đó Giáo lý Trúc Lâm đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của thời đại hoàng kim triều Trần, giai đoạn này Phật giáo là Quốc giáo. Ngẫm lại, lịch sử hàng ngàn năm qua, bao triều đại thịnh suy trị vì đất nước, bao người đã làm vua. Song, có ai được mọi người ngưỡng vọng, tôn thờ và nhớ mãi như Phật hoàng Trần Nhân Tông- một vị vua nhập thế và xuất thế!
Chiêm ngưỡng bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông của hậu thế xây dựng để tôn thờ Ngài, tôi không chỉ tràn đầy lòng tôn kính với một vị Phật đắc đạo tại thế mà còn thấm đẫm một tinh thần tu đạo nhẹ nhàng, thanh thoát của Ngài: “Ở đời tu đạo hãy tùy duyên/Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Một chút tìm về vùng đất thiêng để thấy lòng thanh thản, một chút nghiêng mình để trân trọng lịch sử, những đóng góp của các bậc hiền nhân cho hồn thiêng sông núi.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG