Về thăm những “địa chỉ đỏ” tiêu biểu

30/04/2025 - 06:31

 - Không chỉ là vùng đất non nước hữu tình, An Giang còn tự hào với những “địa chỉ đỏ” về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Khu di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc

Tiêu biểu như, chùa Giồng Thành (còn gọi là Long Hưng tự, tọa lạc phường Long Sơn, TX. Tân Châu), do hòa thượng Trần Minh Lý đứng ra khởi công xây dựng năm 1875. Đây là nơi tập hợp người yêu nước chống thực dân Pháp. Đặc biệt, chùa Giồng Thành còn để lại dấu ấn về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Từ năm 1925 - 1929, trên bước đường hoạt động cứu nước, cụ đã ở đây, truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho Nhân dân Long Sơn và các vùng lân cận. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chùa Giồng Thành là cơ sở của Tỉnh ủy Châu Đốc, Huyện ủy Tân Châu; là điểm giao liên của Trung ương Cục, Khu 8. Chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định 235/ VH-QĐ, ngày 12/12/1986.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Tháng 4/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên ở An Giang được thành lập tại xã Long Điền. Để chào mừng sự kiện lịch sử đó, lá cờ Đảng đầu tiên được treo trên đỉnh cột Dây Thép (nay là xã Long Điền A, huyện Chợ Mới). Cờ đỏ búa liềm phất phới tung bay sau đó tiếp tục được treo ở nhiều nơi khiến kẻ thù lo sợ, còn Nhân dân thì phấn khởi. Cũng từ đó, cột Dây Thép đã trở thành địa danh lịch sử cách mạng, tiêu biểu cho phong trào đấu tranh cách mạng từ những ngày đầu thành lập Đảng, cũng như các cuộc đấu tranh sau này. Di tích lịch sử cách mạng cột Dây Thép được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng theo Quyết định 34/VH-QĐ, ngày 9/1/1990.

Còn có nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), nơi Người được sinh ra, trưởng thành, nơi hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của người lãnh tụ. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Bác cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nhà nước ta. Hiện nay, khu lưu niệm và ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã trở thành địa điểm thân thuộc không chỉ với tất cả người dân quê hương An Giang, mà còn đối với du khách trong và ngoài nước. Năm 2012, Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

Hay căn cứ Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, Tri Tôn) anh hùng, với lợi thế địa hình hiểm trở  nằm ở điểm cao chạy dọc sườn núi Dài, nhiều hang động, dốc đá gập ghềnh... Nhờ vậy, địa danh này có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là nơi dừng chân, hợp đồng chiến đấu của các trung đoàn chủ lực Trung ương từ miền Đông chi viện vào các tỉnh miền Tây. Năm 1962 - 1967, Tỉnh ủy An Giang chọn nơi đây làm căn cứ với các cơ quan trực thuộc.

Trong chiến tranh, địch tổ chức nhiều trận càn quét lớn nhỏ, với mọi phương tiện chiến tranh hiện đại lên căn cứ Ô Tà Sóc, nhưng đều hoàn toàn thất bại. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy An Giang chỉ huy phong trào cách mạng, đánh địch trên các mặt trận của tỉnh, mở rộng vùng giải phóng, căn cứ kháng chiến… Ngày 28/12/2001, Khu căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Một góc đồi Tức Dụp

Còn có đồi Tức Dụp (xã An Tức, huyện Tri Tôn) ghi dấu những trận đánh ác liệt trong lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ của quân dân tỉnh An Giang. Đồi Tức Dụp tuy nhỏ, nhưng có nhiều hang sâu, động lớn, được ăn thông nối liền với nhau bằng nhiều ngõ ngách chằng chịt, tạo nên địa thế rất hiểm trở, đảm bảo cho các tổ chức cách mạng, lực lượng vũ trang xây dựng cơ sở. Đây cũng là vùng nằm trên tuyến đường giao liên, hậu cần, chuyển quân từ Trung ương Cục miền Nam, qua miền Trung Nam Bộ để đến miền Tây Nam Bộ.

Năm 1965, cơ quan Tỉnh ủy An Giang đóng tại đồi Tức Dụp. Tiêu biểu là cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt suốt 128 ngày đêm (16/11/1968 - 23/3/1969). Tận dụng ưu thế địa hình, với tinh thần chiến đấu kiên cường, những chiến sĩ cách mạng của ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Kết thúc trận đánh ác liệt, ta diệt 4.700 tên giặc, bắt sống một số tên khác, phá hủy 11 xe tăng, 9 khẩu pháo 105 ly, bắn rơi 2 máy bay ném bom, thu trên 800 súng các loại… Di tích lịch sử cách mạng đồi Tức Dụp được xếp hạng theo Quyết định 666/VH-QĐ, ngày 1/4/1985.

Tất cả những “địa chỉ đỏ” này đã trở thành biểu tượng của ý chí kiên cường, lòng dũng cảm phi thường của quân dân An Giang. Di tích được giữ gìn không chỉ thể hiện sự tri ân thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với thế hệ đi trước, mà còn giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần tô điểm thêm lòng yêu nước của mỗi người dân An Giang.

TRỌNG TÍN