Về thăm thủ phủ cá basa

13/03/2023 - 04:03

 - Về thăm thủ phủ cá basa vào những ngày tháng 3, điều dễ nhận ra, nơi đây đổi thay rất nhiều. Đường sá sạch đẹp, rộng mở, thông thoáng; chính quyền và người dân rất thân thiện, cởi mở. Thành phố có rất nhiều công trình lớn đang thi công (nổi bật là cầu Châu Đốc, tỉnh An Giang), hứa hẹn một giai đoạn phát triển mới...

Vang bóng một thời

Nhiều năm qua, Đảng bộ TP. Châu Đốc phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh sẵn có để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nhất là quá trình đô thị hóa. Năm 2022, tuy mới bước ra khỏi đại dịch COVID-19 nhưng Châu Đốc đón 4 triệu du khách đến tham quan, trải nghiệm, điều đó nói lên sức quyến rũ của thành phố trẻ. Trong số 4 triệu du khách về Châu Đốc, có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế về đây khảo sát chuẩn bị đầu tư nhiều dự án quan trọng, cùng chính quyền địa phương và người dân nơi đây làm giàu chính đáng.

Ngày nay, nói đến Châu Đốc, người dân trong và ngoài nước nghĩ ngay đến thành phố lễ hội, nơi phát tích của nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng thế giới, như: Cá basa, mắm cá lóc, cá trèn... Ngày trước, Châu Đốc được mệnh danh là thủ phủ cá basa thì nay thành phố này còn là thủ phủ của mắm. Mắm ở đây có đến 30 loại khác nhau, được chế biến trên 70 món ăn (có liên quan đến mắm), tạo ra nền ẩm thực đa dạng, phong phú, phục vụ đông đảo du khách gần xa.

Bè nuôi cá đặc sản trên sông Châu Đốc

Những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với tầm nhìn xa, Đảng bộ TX. Châu Đốc định hướng ngư dân nơi đây đi đầu trong cả nước (kể cả khu vực ASEAN) trong việc đóng bè nuôi cá basa xuất khẩu. Cá basa là loài cá thịt trắng, ăn rất thơm ngon; thịt nhiều, không có xương dăm nên rất được thị trường nước ngoài đón nhận, đặc biệt là thị trường Úc và Hoa Kỳ.

Thời ấy, những cái tên Sáu Bo, Ba Thọ, Tư Đá, Hai Nghiệp… được ngư dân làng bè biết đến vì có nhiều đóng góp cho ngành hàng thủy sản, bởi các ông là những người đi đầu trong việc nuôi cá basa xuất khẩu. Từ 3 cái bè nuôi thử nghiệm, sau đó tăng lên 30 rồi 50 bè. Lúc cao điểm, toàn tỉnh có đến 5.000 bè nuôi cá basa.

Hàng năm, ngư dân Châu Đốc xuất sang thị trường Hoa Kỳ, Úc gần 200 tấn cá basa thành phẩm. Giá xuất khẩu thời điểm đó từ 5,2 - 6 USD/kg và chỉ trong 5 năm, Châu Đốc xuất hiện “làng đại gia”. Nếu Tân Châu có tơ lụa thì Châu Đốc có cá basa, nước mắm Chánh Hương, rượu Vĩnh Phong Long, đây là những sản phẩm vang bóng một thời.

Tượng đài cá basa đặt trước trụ sở Thành ủy, UBND TP. Châu Đốc

Thích ứng linh hoạt

Trong hơn 10 năm trở lại đây, khi các doanh nghiệp không chọn con cá basa làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, ngư dân nuôi cá basa trên sông Hậu (thuộc địa phận TP. Châu Đốc) linh hoạt, thích ứng với nghề bằng cách chuyển từ nuôi xuất khẩu sang nuôi cá tiêu thụ thị trường nội địa. Đầu ra của sản phẩm là các chợ đầu mối, nhà hàng, quán ăn từ các tỉnh, thành phố lớn đến các chợ làng, xã. Đâu đâu cũng có sản phẩm của ngư dân làng bè Châu Đốc.

Ngoài cá basa, ngư dân còn thả nuôi các loài cá đặc sản khác, như: Cá mè hôi, chép giòn, cá ét, cá dứa, cá sát; các loài cá mè vinh, cá he, điêu hồng... phục vụ cho các buổi chợ. Nhờ đó, cuộc sống người dân khấm khá nhưng không bằng thời nuôi cá basa xuất khẩu.

“Tôi theo nghề gần 30 năm, không lẽ không nuôi được cá xuất khẩu thì bỏ nghề hay sao. Do vậy, tôi linh hoạt chuyển sang nuôi các loại cá khác. Sự kiện cá chết lúc tháng 5/2022 do thiếu ô-xy, nhiều ngư dân đã di dời bè cá sang xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân) để có nguồn nước tốt, số còn lại chuyển lên bờ mua bán khô, mắm, phục vụ khách du lịch” - anh Trần Văn Hạnh (ngư dân phường Vĩnh Nguơn TP. Châu Đốc) chia sẻ.

Làng bè nuôi cá basa giờ chuyển sang nuôi các loài cá đặc sản, phục vụ khách du lịch

Khi nghề nuôi cá basa phục vụ xuất khẩu không còn nữa, đây cũng là thời điểm TP. Châu Đốc đề ra chương trình phát triển du lịch (DL), đưa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành lễ hội cấp quốc gia. Kể từ đó đến nay, du khách về Châu Đốc ngày một nhiều hơn, các dịch vụ ăn theo DL được mở ra. Đi đầu trong số các dịch vụ phục vụ DL có các nhà hàng, khách sạn, các ngành hàng mắm cá, khô cá, khô bò, đường thốt nốt...

Để đón 4 triệu lượt khách về tham quan, nghỉ dưỡng mỗi năm, TP. Châu Đốc có hệ thống hạ tầng phục vụ DL tương đối hoàn chỉnh. Cụ thể, thành phố có 35 cơ sở lưu trú và DL, 7 công ty lữ hành, đủ sức phục vụ du khách gần xa.

Số ngư dân chuyên nuôi cá basa ngày trước, giờ có người vẫn theo nghề, người thì lên bờ kinh doanh quán ăn, nhà hàng, khách sạn, tất cả đều có cuộc sống tốt hơn. Người dân TP. Châu Đốc đang cùng hệ thống chính trị đẩy mạnh phát triển DL, dịch vụ, phát triển các sản phẩm có thế mạnh để trong một tương lai không xa, Châu Đốc sẽ trở thành trung tâm DL của vùng ĐBSCL, thu hút trên 5 triệu lượt khách về đây mỗi năm, như kỳ vọng mà Đảng bộ, chính quyền địa phương đề ra.

“Khi các doanh nghiệp chọn con cá tra để xuất khẩu (thay thế cá basa), ngư dân nơi đây chọn nuôi cá basa, cá mè hôi, chép giòn, cá ét, cá dứa, cá sát... nuôi để bán vào các nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách. Đây là sự thích ứng, linh hoạt, năng động trong kinh tế thị trường. Qua đó cho thấy, nông dân không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước mà luôn năng động, thích ứng tốt trong cơ chế thị trường” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang Trần Anh Dũng phân tích.

 

MINH HIỂN