Về thăm “xã trường thọ”

15/08/2024 - 09:51

Người dân huyện Hạ Hòa hay ví xã Đan Thượng là vùng đất của “sự trường thọ”. Nơi đây, theo thống kê, xã có 14 cụ sống hơn một thế kỷ, số cụ 80, 90 tuổi nhiều không đếm xuể. Trong đó, cụ ông Ma Văn Thọ năm nay 112 tuổi, chỉ kém cụ bà người Tây Ban Nha hiện đang nắm giữ Kỷ lục Guinness “Người lớn tuổi nhất thế giới còn sống” 5 tuổi.

Cụ ông Ma Văn Thọ ở khu 2, xã Đan Thượng là người sống thọ nhất của huyện Hạ Hòa tính đến thời điểm hiện tại. Cụ Thọ vẫn có thể nói chuyện, minh mẫn dù tuổi đã rất cao

Về Đan Thượng, hỏi thăm cụ ông Ma Văn Thọ và bà Vũ Thị Tý ở khu 2 là không ai không biết. Sở dĩ cặp vợ chồng già nổi tiếng khắp vùng là bởi vì họ đều đã trên 100 tuổi, nắm giữ kỷ lục sống thọ nhất của xã Đan Thượng và huyện Hạ Hòa. Cụ ông Ma Văn Thọ đã 112 tuổi, cụ bà Vũ Thị Tý 102 tuổi.

Cụ ông Ma Văn Thọ và cụ bà Vũ Thị Tý quây quần bên con cháu trong Lễ Mừng thọ tuổi 100

Sống hơn một thế kỷ, hai ông bà trải qua gần như đầy đủ những thăng trầm biến thiên của đất nước và lịch sử. Theo lời kể của ông Mai Thanh Trì - người con trai thứ ba của hai cụ: “Bố tôi từng là dân công hỏa tuyến, tham gia tuyến đường vận chuyển lương thực, đạn dược lên chiến trường Điện Biên Phủ. Thời còn niên thiếu, từng được bố kể lại về quãng thời gian hào hùng mà gian khổ đó”.

Hai cụ hiện nay tuổi đã cao, chân yếu, mắt mờ nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn. Đến thăm căn phòng nhỏ của hai ông bà, đồ đạc được xếp ngăn nắp, giữa hai chiếc giường kê một cái bàn để đồ dùng cá nhân, căn phòng luôn gọn gàng, sạch sẽ. Mới chỉ khoảng một năm trước, hai cụ vẫn tự ăn uống, vệ sinh cá nhân mà không phiền đến con cháu. Năm nay, sức khỏe yếu hơn nên ông bà mới để con cháu phục vụ.

Chia sẻ về bí quyết sống thọ, khỏe mạnh của cha mẹ mình, ông Mai Thanh Trì cho biết: Ông bà từ thời trẻ đã ít ốm đau, bệnh tật. Đặc biệt, hai cụ có lối sống rất gọn gàng, sạch sẽ. Từ thuở còn cơm cháo nuôi các con, bố mẹ đã có thói quen ăn uống đúng giờ. Bát đũa, nồi niêu hết bữa là phải rửa ngay, không bao giờ có chuyện để đến hôm sau. Sinh hoạt sạch sẽ, ngăn nắp, có giờ giấc đã trở thành nền nếp gia đình. Ông bà luôn rèn con, rèn cháu từ những việc nhỏ nhất”.

Cụ bà Ngô Thị Điệm ở khu 11, xã Đan Thượng ở tuổi 102 nhưng mắt sáng, giọng nói rõ.

Để minh chứng thêm cho danh xưng “xã trường thọ”, đồng chí phụ trách văn hóa xã Đan Thượng dẫn tôi đến nhà cụ bà Ngô Thị Điệm ở khu 11. Cụ Điệm năm nay đã 102 tuổi. Vào đến nhà, chúng tôi gặp cụ bà mặc áo hoa, đầu vấn khăn nhung, tóc bạc, dáng lưng còng quét sân ở cổng. Thoạt nhìn, tôi những tưởng cụ mới chỉ khoảng 80.

Cụ vẫn hằng ngày quét sân, nhổ cỏ vườn đỡ đần con cháu việc nhà

Thấy khách đến, con dâu cụ nói vọng to: “Bà ơi, có khách đến!” rồi quay lại chúng tôi đon đả: “Cụ hơn 100 tuổi rồi mà vẫn quét nhà, nhổ cỏ vườn. Sức khỏe tốt lắm, mỗi cái nặng tai thôi”. Ông Phí Văn Hùng là con trai thứ ba của cụ Điệm dắt người mẹ lưng còng ngồi xuống chiếc võng trước hiên nhà. Mái tóc cụ Điệm đã bạc được vấn gọn gàng trên đầu, đặc biệt, đôi mắt vẫn sáng, giọng nói rõ ràng.

Ông Hùng kể: “Mẹ tôi có 7 người con, khoảng 50 cháu, chắt. Đến bây giờ, bà vẫn tự vệ sinh cá nhân, ăn uống, giặt giũ quần áo mà không cần con cháu đỡ đần. Đôi khi, ngỏ ý muốn đỡ đần mà mẹ tôi cũng không cho. Sáng nào, bà cũng quét sân, nhổ cỏ ở hàng cây cảnh và ngoài vườn rau”.

Cụ bà Ngô Thị Điệm quây quần bên con cháu trong Lễ Mừng thọ tuổi 100

Cụ Điệm có người con trai cả là liệt sĩ Phí Văn Thành đã hy sinh năm 1974 tại chiến trường Miền Nam. Đến giờ, gia đình vẫn chưa tìm được phần mộ. Đây là ước nguyện đau đáu cả đời của cụ bà Ngô Thị Điệm. Người nhà kể, nhiều khi ngồi không nhớ đến con, cụ lại bảo: “Chưa tìm được anh, mẹ chưa đi được đâu các con ạ”.

Sống trọn vẹn hơn một thế kỷ, trải qua biết bao thăng trầm cùng lịch sử đất nước. Các bậc “bách niên giai lão” như cụ Thọ, cụ Tý, cụ Điệm đã trải qua mưa bom bão đạn của hai cuộc chiến tranh, góp phần công sức bảo vệ quê hương, đất nước. Ở tuổi xế chiều, các cụ vẫn cố gắng tự phục vụ bản thân, lao động trong khả năng cho phép. Đó thật sự là tấm gương sáng, điểm tựa tinh thần của con cháu.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng được xã Đan Thượng quan tâm, chú trọng. Đồng chí Vũ Đức Quý - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã cho biết: “Hằng năm hội người cao tuổi phối hợp với chính quyền tổ chức thăm hỏi, động viên vào các dịp lễ mừng thọ, ốm đau đột xuất với tổng số tiền trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, xã còn tổ chức khám sức khỏe, thành lập các câu lạc bộ người cao tuổi, tạo sân chơi rèn luyện sức khỏe, thể chất, tinh thần giúp các cụ sống lâu sống khỏe”.

Chú ý ăn uống đầy đủ, đúng giờ, giữ thói quen sinh hoạt sạch sẽ, chăm làm, chịu khó, yêu lao động... là những bí quyết sống thọ, sống khỏe của các bậc “bách niên giai lão” ở xã Đan Thượng. Về với Đan Thượng, không chỉ thăm thú cảnh quan vùng đất giáp ranh với tỉnh bạn Yên Bái mà còn để nghe câu chuyện về các cụ già sống hơn thế kỷ, quả thật đúng với danh xưng “xã trường thọ” của vùng đất mẹ Âu Cơ.

Theo Báo Phú Thọ