Ươm mầm đam mê
Sinh ra và lớn lên trong gia đình chẳng mấy đủ đầy, khi học đến lớp 8 thì ba, mẹ ly thân, Duy sống cùng mẹ và ông, bà ngoại trong căn nhà nhỏ ở phường Bình Đức (TP. Long Xuyên). Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, thương mẹ vất vả, Duy cố gắng học tập với mong muốn sau này đỡ đần cho mẹ, giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn. Năm học lớp 8, Duy làm quen với máy vi tính, sự hứng thú về lập trình bắt đầu “ươm mầm” trong Duy. Nhớ về những ngày đầu đến với những dòng thuật toán, Duy kể: “Khi được học lập trình Pascal, em cảm thấy thích thú và muốn tìm hiểu nhiều hơn về nó, nhưng ở nhà không có máy vi tính nên chủ yếu em tìm hiểu lý thuyết từ sách và hỏi giáo viên. Sau đó, em được gia đình mua cho chiếc smartphone, em bắt đầu tìm hiểu lập trình Pascal trên điện thoại, rồi lên mạng tìm hiểu các thứ về việc up ROM, dùng thẻ nhớ làm RAM…”.
Với chiếc smartphone giá khoảng 1 triệu đồng, Duy đã dùng nó để “nuôi dưỡng” đam mê suốt 2 năm cuối bậc trung học cơ sở. Khi Duy học lớp 10, không thể để con tiếp tục “ôm ấp” ước mơ qua những dòng thuật toán chỉ được viết trên tập, mẹ Duy quyết định lấy khoản tiền gom góp từ đồng lương công nhân mua cho Duy chiếc máy vi tính. Có được công cụ hỗ trợ, Duy tập trung tìm tài liệu về lập trình android, cách java biên dịch, cách trình thông dịch hoạt động từ các trang mạng nước ngoài. Cuối cùng, em đã thành công tạo ra phần mềm quản lý nhân sự, tuy nhiên, khi đưa lên kho ứng dụng, số lượng người dùng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Duy chia sẻ: “Lúc mới lập trình ứng dụng trên di động, em nghĩ mình phải tạo ra ứng dụng thật lạ, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại như: nhận diện gương mặt, nhận diện các hình ảnh… nhưng kết quả thu được không như mong đợi”. Dù hụt hẫng nhưng Duy không bỏ cuộc, em quyết tâm tạo ra sản phẩm được nhiều người đón nhận.
Thành quả
Trần Lê Duy nhận thấy đa số học sinh, sinh viên đều sở hữu một thiết bị di động và trên kho ứng dụng của hệ điều hành Android, WindowsMobile, IOS có một số ứng dụng chức năng tương tự máy tính cầm tay. Tuy nhiên, những ứng dụng miễn phí chỉ có chức năng tính toán cơ bản, còn ứng dụng có chức năng tương đối đầy đủ phải tốn phí bản quyền và đa số do người nước ngoài phát triển, giao diện không thuần Việt. Tìm được hướng đi cho mình, Duy bắt tay nghiên cứu, sau 1 năm viết xong ứng dụng máy tính đa năng NCalc+, ngoài chức năng cơ bản, ứng dụng còn tích hợp nhiều chức năng mà các máy tính trên thị trường không có như: giải phương trình bất kỳ, tính đạo hàm, phân tích đa thức thành nhân tử, rút gọn biểu thức… Nói về thành công của ứng dụng máy tính đa năng NCalc+, Duy kể: “Để được xuất hiện trên Google Play như hiện nay, máy tính đa năng NCalc+ của em đã nhiều lần bị gỡ xuống, lượt tải về cũng bị xóa sạch, do sự kiểm duyệt gắt gao về khâu bản quyền, lúc đó, em phải làm lại từ đầu”. Ứng dụng máy tính đa năng NCalc+ Duy đã đoạt giải nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 13 (năm 2016-2017).
Sau thành công của máy tính đa năng NCalc+, Duy nhận ra việc lập trình phần mềm phải đáp ứng nhu cầu thực tế của số đông người dùng, nên tiếp tục nghiên cứu lập trình ứng dụng Trình thông dịch Pascal N-IDE, giúp lập trình Pascal ngay trên điện thoại di động. Chia sẻ về nguyên nhân cho ra đời Trình thông dịch Pascal N-IDE, Duy thật tình: “Đối với các bạn học sinh ở các trường thiếu cơ sở vật chất và gia đình không có điều kiện mua máy vi tính sẽ gặp khó khăn khi học lập trình, em từng trải qua nên rất hiểu. Vì vậy, em quyết tâm làm ra Trình thông dịch Pascal N-IDE”. Với ứng dụng này, Duy xuất sắc đạt giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 14 (năm 2017-2018).
Ngoài máy tính đa năng NCalc+ và Trình thông dịch Pascal N-IDE, các ứng dụng “made in Trần Lê Duy” xuất hiện trên Google Play còn có: Bộ chuyển đổi đơn vị đo lường và Công cụ thông minh; Thuật toán sắp xếp; Ascii Art Generator- Cool Symbol - Emoji- Letters; Trình biên dịch Java trên Android; Lập trình C/C++ trên Android… Chia sẻ về chặng đường đã qua, Duy cho biết: “Mỗi ứng dụng khi phát triển ở giai đoạn đầu, chưa hoàn thiện sẽ nhận nhiều phản hồi tiêu cực của người dùng. Với em, những nhận xét đó là cách “vẽ đường” hữu hiệu, giúp mình nhận ra những lỗ hổng để hoàn thiện sản phẩm. Đến khi ứng dụng hoàn chỉnh, nhận được nhiều đánh giá tích cực đã tạo động lực để em tiếp tục phấn đấu”. Đến nay, một số ứng dụng của Duy trên Google Play đã trên 400.000 lượt người tải về, vươn lên “top 10” được tìm kiếm nhiều nhất, thu nhập mỗi tháng trên 2.500 USD.
Bắt đầu niềm đam mê lập trình khi còn là một học sinh trung học, Trần Lê Duy đã bền bỉ mới đạt được những thành quả như hôm nay. Rời mái trường phổ thông, Duy nhận được học bổng 100%, trở thành tân sinh viên của Trường Đại học FPT (TP. Hồ Chí Minh), nơi Duy sẽ được đào tạo bài bản để phát huy khả năng của bản thân. Duy chia sẻ: “Trong môi trường đại học, em hy vọng có thể gặp gỡ và cùng các anh, chị, bạn bè có cùng đam mê thành lập một nhóm phát triển ứng dụng. Trước mắt, em đang tìm hiểu để phát triển các ứng dụng trên hệ điều hành IOS và sẽ học tốt ngoại ngữ, vì đây là một trong những kỹ năng quan trọng giúp em nghiên cứu lập trình”.
Trong tháng 10-2018, Trần Lê Duy cùng sản phẩm của mình được chọn là 1 trong 7 công trình đại diện Việt Nam tham gia triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ (IEYI) 2018 diễn ra ở Ấn Độ. IEYI 2018 thu hút trên 350 nhà sáng tạo trẻ đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, trình diễn hơn 110 công trình, dự án. Tại đây, Duy đã mang về tấm huy chương đồng danh giá.
MỸ LINH