Về “xứ đạo” thu hoạch hoa dừa cạn

10/06/2023 - 20:47

 - Những ruộng hoa dừa cạn của vụ hè thu đang được thu hoạch lần 2, cũng là đợt cuối trong năm, nhường lại đất sản xuất cho hoa màu hoặc cây thuốc khác. Mấy năm nay, chỗ nào xuất hiện hoa dừa cạn đều góp chút thi vị cho cảnh sắc vùng quê.

Nhưng đằng sau đó, giá trị của chúng trong việc chữa bệnh và tấm lòng của những người thiện nguyện vì cộng đồng… mới là vẻ đẹp lan tỏa đáng trân trọng.

Phú Tân là địa phương khởi điểm trồng hoa dừa cạn làm dược liệu và cũng là địa phương xuất hiện nhiều đồng hoa nhất. Cây dừa cạn trồng rải rác nhiều xã, tùy theo sự đóng góp của người dân, có nơi cho mượn miễn phí 1-2 vụ/năm, có nơi do nhà hảo tâm thuê đất, nơi thì được trồng xen canh với cây ăn trái…

Đang giữa mùa mưa, nên buổi thu hoạch hoa dừa cạn được các đội từ thiện khởi động rất sớm. Vài chục, rồi đến hàng trăm người từ các xã lân cận tập trung về một chỗ, đa số là người lớn tuổi, nhưng họ rất khỏe và nhanh nhẹn.

Gần 8 giờ sáng, đồng hoa tại ấp Bình Quới 2, xã Bình Thạnh Đông gần như được dọn sạch. Hàng tấn hoa còn tươi rói nhanh chóng chuyển lên xe chở đến nhà thuốc.

Đội hình nhanh chóng di chuyển sang cánh đồng khác, cách đó vài cây số. Đường hẹp và trời chuyển mưa nên ai nấy đều tranh thủ thật lẹ tay.

Do đợt 1 dừa cạn được thu hoạch bằng cách cắt ngang gốc nên rễ cây càng ăn sâu vào đất. Vì vậy, công sức nhổ cây ở cuối vụ rất vất vả, có người gồng sức kéo được trọn bộ rễ thì té bật ngửa. Xung quanh lại được một tràng cười vì mọi người đã quen với cảnh này.

Chỉ tính 2 đồng hoa trồng tại xã Bình Thạnh Đông, qua 1 vụ thu hoạch được hơn 50 tấn. Không chỉ ra sức trồng, chăm sóc các cây thuốc trong huyện, khắp các địa bàn trong và ngoài tỉnh, chỗ nào có nhu cầu hoặc người dân gửi tặng, các cô, chú liền rủ nhau đến gom cho nhà thuốc nam.

Ông Phạm Văn Bổ (xã Hiệp Xương) đã ngoài 70 tuổi, theo đội từ thiện khoảng 7 năm nay. Bên cạnh góp công trồng thuốc nam, ông còn làm đủ các việc từ thiện, như: Xây cầu, làm đường, hỗ trợ người nghèo…

 “Quanh năm tôi đi liên tục, khắp trong huyện sang đến Châu Phú, TX. Tân Châu. Xong rau dừa cạn thì trồng cây mắc cỡ gai, cỏ xước, rau bợ, nghệ… Hết thảy đem gửi nhà thuốc Nam để bào chế chữa bệnh cho bà con. Góp chút công sức cho xã hội tôi thấy càng khỏe và vui” – ông Bổ chia sẻ.

Một trong số cây thuốc được trồng xen canh với hoa dừa cạn là bông trang. Người dân trồng đến hàng trăm cây để thu hoạch bông quanh năm. Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, không dễ để có chỗ trồng dược liệu, nên ở những nơi có thể trồng dài hạn, bà con tận dụng tối đa để góp phần phong phú thêm nguồn thuốc tự nhiên.

Ở “xứ đạo” Phú Tân, khó để kể hết các việc thiện của bà con, từ những đóng góp lớn đến từng hành động dung dị đời thường. Tinh thần làm hết tất cả các việc thiện được mọi người thực hành và không ngừng lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

MỸ HẠNH