Vì sao không có vắcxin chống bách bệnh?

21/11/2018 - 20:01

Các tác nhân gây bệnh luôn có sự biến đổi trong khi kinh phí dành cho nghiên cứu vắcxin ít, thời gian nghiên cứu lâu khiến một số loại bệnh hiện vẫn chưa có vắcxin.

Vắcxin là một trong những tiến bộ y học bậc nhất của con người - Ảnh: Cancer Central

Sự xuất hiện của vắcxin đã tiêu diệt và thanh toán gần như hoàn toàn một số "kẻ giết người" toàn cầu, như bệnh đậu mùa và bại liệt.

Vắcxin cũng làm giảm đáng kể số ca mắc các bệnh sởi, bạch hầu, ho gà, rubella, thủy đậu, quai bị, thương hàn, uốn ván, dại, sốt xuất huyết, viêm gan A và B, rota virus, phế cầu khuẩn, bệnh viêm màng não và viêm màng não cầu khuẩn...

Vắcxin ra đời giúp giảm đáng kể tỷ lệ người tử vong do bệnh tật. Chỉ tính riêng ở nước Anh vào thế kỷ 17, có trên 30% số trẻ em dưới 15 tuổi tử vong vì các loại dịch bệnh. Ngày nay, với sự ra đời của các loại vắcxin, tỉ lệ này đã giảm xuống dưới 1%.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bệnh khiến các nhà khoa học phải "bó tay", chưa có vắcxin nào đủ hiệu quả để ngăn ngừa, trong đó phải kể nhiều bệnh do ký sinh trùng (sốt rét), vi khuẩn (lao), virus (cúm, sốt xuất huyết, HIV/AIDS...).

Một câu hỏi được đưa ra là: Tại sao chúng ta không có vắcxin để chống lại mọi loại bệnh tật?

Dưới góc độ kinh tế

Nếu đem so sánh với một phát minh "giết người" như phát triển vũ khí quân sự, thì ngân sách dành cho vắcxin chỉ là "số lẻ". Nhưng một tiến bộ về y học có thể cứu sống nhiều người lại đang vấp phải nhiều hạn chế trong đó có nguyên nhân thiếu kinh phí.

Ngày nay, một chiến binh Taliban có thể bị tiêu diệt bằng một loại máy bay không người lái tối tân từ một căn cứ quân sự xa xôi ở đâu đó trên nước Mỹ, nhưng một sự thật đáng buồn vẫn hiện hữu đó là con người vẫn phải sống dựa vào vắcxin phòng cúm được phát minh từ năm 1930 của thế kỷ trước.

Theo tiến sĩ Gregory A. Poland, trưởng nhóm nghiên cứu vắcxin tại Mayo Clinic (Mỹ), có hai yếu tố gây trở ngại việc phát triển vắcxin đó là khoa học chưa kịp đáp ứng và thiếu kinh phí.

Theo ước tính, phải mất tới 10 năm và hơn 1 tỉ USD để phát triển một loại vắcxin - một khoản tiền được nhiều người cho là khá lớn đối với một tiến bộ về y học, trong khi đó con số này chẳng bõ bèn gì nếu so với một hệ thống vũ khí hiện đại.

Trong khi đó, các công ty sản xuất vắcxin tư nhân chủ yếu theo đuổi các sản phẩm có giá thành cao cho trẻ em và quân đội tại các nước phát triển.

Đối với những người có thu nhập thấp tại các nước đang phát triển, họ thường phải chờ đợi nguồn vắcxin đến từ các nhà tài trợ và các tổ chức từ thiện như Quỹ Bill & Melinda Gates hay Wellcome Trust.

Dưới góc độ khoa học

Nguyên tắc hoạt động của vắcxin vẫn không thay đổi kể từ sau các nghiên cứu của Louis Pasteur: cơ chế gây miễn dịch bằng vi khuẩn hoặc virus giảm độc lực, hoặc với một protein đặc hiệu có tính kháng nguyên để tạo ra một đáp ứng miễn dịch. Từ đó tạo ra hiệu quả đề kháng cho cơ thể sau này khi tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Trong khi đó, các tác nhân gây bệnh lại thường xuyên biến đổi khiến hệ miễn dịch không còn hữu hiệu hoặc thậm chí tấn công ngay vào chính nó, như trường hợp của các bệnh nhân nhiễm virus HIV.

Một số loại virus như HIV, cúm và viêm gan C, thường biến đổi với tốc độ quá nhanh khiến các kháng thể không kịp "khóa" mục tiêu. Đặc biệt là virus HIV biến đổi nhanh theo từng ngày.

Riêng bệnh sốt rét và ký sinh trùng sẽ không bao giờ kích hoạt trạng thái miễn dịch suốt đời. Những người đã từng vượt qua sẽ ít bị bệnh hơn, nhưng khả năng miễn dịch sẽ biến mất nếu họ di chuyển ra khỏi vùng sốt rét.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, các loại bệnh này có thể bị chặn bằng vắcxin nếu chúng ta chi nhiều tiền hơn cho công tác nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vắcxin.

Việc thử nghiệm có thể kéo dài, mặc dù tốn kém song đây là điều rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều loại virus mới xuất hiện như MERS-CoV, Nipah, Lassa, virus hợp bào hô hấp RSV, Virus Tây sông Nile, Zika...

Theo Tuoitre.vn