Vì sao lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn còn là bí ẩn với hậu thế?

03/07/2019 - 20:09

Là một trong những phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất mọi thời đại, nhưng lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng, vẫn còn là một bí ẩn đối với giới khảo cổ học và lịch sử học, vì hầu hết quần thể lăng mộ này hiện vẫn đang bị đóng cửa và chưa được khám phá.

Giai đoạn lịch sử chết chóc và kỳ lạ của khu lăng mộ này cũng như các đồ tuẫn táng bên trong đã được niêm phong kín và ngụy trang dưới một lớp thảm thực vật trong hàng nghìn năm qua.

Rất nhiều hiện vật tinh xảo đã được được khai quật trong khu lăng mộ, như cỗ xe ngựa này. (Ảnh: Deviant art).

Hai thập kỷ sau năm 218 TCN là một thời kỳ bất ổn ở khu vực Địa Trung Hải, khi đang xảy ra chiến tranh giữa Cộng hòa La Mã và đế chế Carthage. Tuy nhiên ở khu vực Viễn Đông, đây lại là một thời kỳ tương đối ổn định, khi Trung Quốc vừa thống nhất sau thời kỳ Chiến Quốc hỗn loạn . Tần Thủy Hoàng là người thống nhất 7 nước chư hầu để khai sáng nên triều đại hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.

Vị hoàng đế này là một người vô cùng ám ảnh với cuộc sống hiện tại cũng như sau khi chết đi. Dù mải mê với việc tìm kiếm phương thuốc trường sinh bất tử, Tần Thủy Hoàng cũng bận rộn bỏ công xây dựng lăng mộ của mình.

Ảnh tái hiện khu lăng mộ của Tần Thủy Hoàng (China.org.cn).

Trên thực tế, việc khởi công xây dựng khu lăng mộ này đã bắt đầu từ lâu trước khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Khi Tần Thủy Hoàng được 13 tuổi, ông lên ngôi nước Tần, và ngay lập tức ra lệnh xây dựng chốn yên nghỉ ngàn thu của ông.

Tuy nhiên, chỉ đến năm 221 SCN, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc thành công thì việc xây dựng mới được tập trung toàn lực, với hơn 700.000 nhân công trên khắp cả nước. Khu lăng mộ này nằm ở huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây. Nó đã mất hơn 38 năm xây dựng, và chỉ được hoàn thiện một vài năm sau khi ông qua đời.

Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia).

Quá trình xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng như mô tả về nó có thể được tìm thấy trong cuốn Thái sử công thư của một nhà sử học thời Hán tên là Tư Mã Thiên (nên cũng được gọi là Sử ký Tư Mã Thiên). Theo tư liệu này, lăng mộ Tần Thủy Hoàng chứa “các cung điện đền đài cho một trăm quan lại”, cũng như các đồ tạo tác, châu báu quý hiếm.

Hai con sông chủ chốt của Trung Quốc là Trường Giang và Hoàng Hà cũng được mô phỏng trong ngôi mộ bằng cách sử dụng thủy ngân. Phần sàn lăng mộ miêu tả các con sông và đặc điểm đất liền, còn phần trần phía trên lại là hình trang trí các chòm sao trên trời. Ý tưởng này được cho là để Tần Thủy Hoàng tiếp tục cai trị vương quốc ngay cả khi sang thế giới bên kia. Nhằm bảo vệ lăng mộ, thợ thủ công của hoàng đế đã tạo ra những cái bẫy có thể bắn tên vào bất cứ ai dám xâm phạm nơi yên nghỉ của ông.

Bức họa chân dung của nhà sử học Tư Mã Thiên. (Ảnh: Public Domain).

Con trai Tần Thủy Hoàng đã đứng ra tổ chức tang lễ cho ông. Cây cối được trồng phía trên lăng mộ khiến nó trông giống một ngọn đồi.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phủ kín bởi thảm thực vật và nhìn trông giống một ngọn đồi. (Ảnh: Wikimedia).

Tài liệu liên quan đến nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng đã tồn tại gần một thế kỷ sau cái chết của vị hoàng đế, nhưng các nhà khảo cổ mới chỉ phát hiện lăng mộ trong thế kỷ 20 (không ai biết khu lăng mộ này đã từng bị trộm cướp trong quá khứ hay chưa).

Năm 1974, một nhóm nông dân đào giếng ở huyện Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây, đã đào được một chiến binh làm từ đất nung có kích thước giống người thật. Đây là điểm khởi đầu cho việc phát hiện một trong những di chỉ khảo cổ lớn nhất mọi thời đại.

Trong vòng 40 năm qua, các nhà khoa học tìm thấy khoảng 2.000 chiến binh đất nung. Theo ước tính, có tổng cộng từ 6.000 đến 8.000 chiến binh đất nung được chôn cùng với Tần Thủy Hoàng. Đội quân đất nung thực chất chỉ là “đỉnh của tảng băng chìm”, khi phần còn lại của lăng mộ vẫn chưa được đào lên.

Các chiến binh đất nung và ngựa nung, là một bộ sưu tập các bức điêu khắc mô tả đội quân của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. (Ảnh: Wikimedia).

Nếu muốn khai quật phần còn lại, các nhà nghiên cứu phải vượt qua những cái bẫy (thông tin mà Tư Mã Thiên từng đề cập đến), dù vẫn còn nhiều lời tranh cãi về khả năng hoạt động của chúng sau hơn 2.000 năm.

Sự hiện diện của thủy ngân cũng là yếu tố nguy hiểm đối với bất kỳ ai dám bước vào lăng mộ mà không có biện pháp bảo vệ thích hợp. Công nghệ hiện nay chưa thể xử lý toàn bộ khu tổ hợp lăng mộ dưới lòng đất, cũng như bảo quản hiện vật khai quật. Lấy ví dụ, trước đây đội quân đất nung từng có một lớp sơn sáng, nhưng việc tiếp xúc với không khí và ánh sáng mặt trời đã khiến lớp sơn này mờ dần một cách mau chóng.

Cho đến khi chúng ta có các công nghệ tiên tiến hơn, có lẽ các nhà khảo cổ sẽ không dám liều lĩnh khai quật lăng mộ này trong tương lai gần.

Theo QÚY KHẢI (NHDTV)