Vì sao Microsoft không có Windows 9?

24/06/2023 - 14:32

Trong những năm gần đây, Microsoft tung ra Windows 7, Windows 8, Windows 10, Windows 11 và có thể sắp tới là Windows 12. Điều này khiến nhiều người thắc mắc về sự vắng bóng của Windows 9.

Theo Tech Unwrapped, với mỗi phiên bản Windows mới, Microsoft tận dụng lợi thế của việc sửa sang lại một phần hoặc toàn bộ giao diện đồ họa để giữ lại hầu hết các tùy chọn cấu hình, với một trong số đó có thể kể đến như Control Panel đã có cùng một thiết kế trong hơn 20 năm.

Windows 9 vắng bóng vì sự chuyển giao lãnh đạo tại Microsoft?

Với sự ra mắt của Windows 7, Microsoft đã giới thiệu một thiết kế mới khác hoàn toàn so với Windows XP - thiết kế mà mọi người yêu thích trong nhiều năm. Cùng với Windows XP, nó trở thành một trong những hệ điều hành phổ biến nhất mà Microsoft đã phát hành ra thế giới.

Khi Windows 8 xuất hiện, Microsoft đã giới thiệu thiết kế mới hoàn toàn khác với những gì Windows đã có kể từ những phiên bản đầu tiên xuất hiện, với thiết kế gạch làm thay đổi hoàn toàn cách người dùng tương tác với hệ điều hành. Điều này dẫn đến nhiều chỉ trích từ người dùng và buộc công ty phải ra mắt Windows 8.1 để giới thiệu lại nút Start cổ điển. Thiết kế này tập trung vào các máy tính có màn hình cảm ứng, một công nghệ mà 11 năm sau khi Windows 8 ra mắt vẫn không phải là lựa chọn của nhiều người dùng.

Khi mọi thứ dường như chỉ ra phiên bản tiếp theo của Windows sẽ là Windows 9, Microsoft đã phát hành Windows 10. Điều gì đã xảy ra với Windows 9? Lý do bỏ qua phiên bản Windows này có liên quan đến sự xuất hiện của Satya Nadella với tư cách là người đứng đầu Microsoft nhằm thay thế cho Steve Ballmer.

Microsoft muốn tạo ấn tượng rằng, sau khi thay đổi ban lãnh đạo cao nhất, công ty đã được đổi mới hoàn toàn, đồng thời tất cả các quyết định mà Steve Ballmer đưa ra đã là dĩ vãng và sẽ không lặp lại. Việc thay đổi này đã được Microsoft thực hiện một năm trước khi Windows thế hệ tiếp theo ra mắt và hãng quyết định nhảy thẳng lên Windows 10. Đó là một sự thay đổi căn bản so với hai phiên bản Windows 8 và 8.1 trước đó. Kết quả là hệ điều hành này nhanh chóng thu hút người dùng trước khi Windows 11 xuất hiện và tiếp tục được đánh giá cao.

Bằng cách chuyển từ Windows 8.1 sang Windows 10, Microsoft ngụ ý không có sự liên tục nào với phiên bản Windows mà người dùng không có nhiều thích thú. Đó thực sự là một chiến lược tiếp thị hơn bất cứ thứ gì khác, nhưng đủ để thu hút sự chú ý của người dùng, những người đã cân nhắc việc không nâng cấp lên Window 8 mà tiếp tục gắn bó với Windows 7 ngay cả khi nó không được hỗ trợ lâu hơn. Điều đó tốt hơn là thay đổi hoàn toàn trải nghiệm người dùng.

Theo Thanh Niên