Vì sao thượng đỉnh liên Triều 'nóng' hơn bao giờ hết?

26/04/2018 - 19:51

Thế giới đang đổ dồn sự quan tâm về Bán đảo Triều Tiên khi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra trong những giờ tới.

Tại sao cuộc gặp lần này quan trọng?

Đây là lần thứ 2 kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 4-2012, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp với lãnh đạo hàng đầu của một nước khác. Cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra sau chuyến thăm bí mật trong tháng trước của ông Kim tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Em gái, cùng là đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi tới Hàn Quốc nhân kỳ Thế vận hội PyeongChang. Ảnh: AFP

Đây cũng là lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, một Tổng thống Hàn Quốc theo trường phái tự do muốn đối thoại một cách tích cực với Triều Tiên.

“Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này giống như nước cờ đầu tiên. Nó sẽ quyết định các bước đi tiếp theo trong ván cờ”, nhà cựu ngoại giao Mỹ từng làm việc về chính sách Triều Tiên Mintaro Oba nhận định.

“Ý nghĩa của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là đặt nền tảng ban đầu cho bầu không khí và củng cố những kỳ vọng tiếp theo cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim”, ông Mintaro Oba nói thêm.

Yếu tố lịch sử?

Triều Tiên và Hàn Quốc bị chia cắt từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953. Hiện nay, 2 nước đang đứng trước cơ hội hòa giải lịch sử sau 1 thập kỷ căng thẳng leo thang nhất từ năm 2008.

Trong đó, năm 2010 là một dấu mốc căng thẳng Hàn-Triều khi tàu tuần tra Cheonan của Hải quân Hàn Quốc bị gãy đôi sau một vụ nổ và bị chìm trên Hoàng Hải, gần vùng biển tranh chấp với Triều Tiên. Vụ việc đã làm gần 50 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.

Đây không phải là lần đầu Triều Tiên thể hiện sẵn sàng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Triều Tiên đã có một thỏa thuận với Mỹ, Nhật, Hàn những năm 1990, theo đó, chấp nhận Triều Tiên phát triển điện hạt nhân dân sự và phải từ bỏ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, các lò phản ứng của Triều Tiên chưa bao giờ ngừng hoạt động.

Triều Tiên từng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân vào năm 2007 để đổi lại việc các nước dỡ bỏ trừng phạt về nhân đạo và năng lượng. Tuy nhiên, năm 2009, Triều Tiên rút khỏi cam kết này và trục xuất tất cả các thanh sát viên quốc tế.

Tại sao cuộc gặp diễn ra vào thời điểm này?

Có thể là nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phát triển các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đủ để ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào, theo đó Triều Tiên hiện có đủ “sức mạnh đàm phán” với Hàn Quốc và cả Mỹ.

“Ông Kim Jong-un sẽ cố sửa chữa các mối quan hệ đã thực sự bị hủy hoại trong những năm qua khi Triều Tiên phát triển các loại vũ khí hạt nhân”, ông Jenny Town, trợ lý Giám đốc khoa Mỹ-Triều Tiên tại Viện Đại học quốc tế Johns Hopkins nhận định.

Trong bài phát biểu đầu năm 2018, ông Kim Jong-un đã chủ động “chìa cành Ô-liu” khi tuyên bố cử các vận động viên Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa Đông 2018 tổ chức tại PyeongChang, Hàn Quốc, tháng 2 vừa qua. Đây là diễn biến mở màn đánh dấu sự đổi chiều tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, khi năm 2017, Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ đe dọa hủy diệt Triều Tiên.

Từ Thế vận hội PyeongChang đến nay, Triều Tiên đã có hàng loạt cuộc gặp quan trọng với Hàn Quốc và Mỹ, mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều ngày 27-4 và Mỹ-Triều dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Hàn Quốc và Triều Tiên muốn gì tại cuộc gặp?

Cả 2 nhà lãnh đạo Hàn-Triều đều mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh thành công và mục tiêu chính là một thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sau đó.

Theo nhà cựu ngoại giao Mỹ từng làm việc về chính sách Triều Tiên Mintaro Oba, Seoul cũng đề xuất việc có thể thay thế Hiệp định đình chiến đạt được sau chiến tranh Triều Tiên bằng một Hiệp định hòa bình. Song, Hàn Quốc vẫn muốn Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa.

“Với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có giá trị lớn. Và hơn thế là giảm căng thẳng Mỹ -Triều Tiên để hướng tới mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Moon là một thỏa thuận toàn diện Mỹ-Triều”, ông Mintaro Oba nói.

Với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông sẽ có thêm nhiều lựa chọn nhằm gây sức ép để Mỹ thỏa thuận với Triều Tiên. Triều Tiên đồng thời thuyết phục thế giới rằng nước này có thiện chí và nếu có bất cứ thất bại nào trong tương lai thì đó là do Mỹ chứ không phải Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un cũng sẽ tìm kiếm sự nới lỏng các trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

“Triều Tiên sẽ tập trung vào việc cải thiện các mối quan hệ ngoại giao và tìm cách cải thiện nền kinh tế. Hàn Quốc cũng muốn khởi động lại hợp tác kinh tế liên Triều”.

Những kết quả khả thi?

Triều Tiên đã nhắc lại thiện chí từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều kiện mà Mỹ và các đồng minh phải “chi đậm” để đạt được.

Kịch bản tồi tệ nhất là “định nghĩa về phi hạt nhân hóa” của Triều Tiên hoàn toàn khác với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Khi Triều Tiên nghĩ đến phi hạt nhân hóa, họ sẽ nghĩ rằng điều này sẽ diễn ra trong vài thập kỷ”, trợ lý Giám đốc khoa Mỹ-Triều Tiên tại Viện Đại học quốc tế Johns Hopkins, ông Jenny Town nhìn nhận.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Cũng theo ông Jenny Town, cơ hội là không nhiều để đạt được một thỏa thuận cụ thể và vững chắc tại cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều.

Bất chấp các cuộc gặp dọn đường và các nỗ lực ngoại giao con thoi trước thềm đàm phán thì vẫn luôn có sự rủi ro.

Với Mỹ, Triều Tiên đã chứng kiến Mỹ rút khỏi rất nhiều thỏa thuận quốc tế do đó họ sẽ không tin vào một lời cam kết đơn giản. Triều Tiên sẽ muốn xây dựng sự tin tưởng qua thời gian.

Theo HOÀNG LÊ (VOV)