Microsoft đã chính thức công bố Windows 11, một bản nâng cấp miễn phí từ Windows 10. Trước đó, Windows 10 cũng được nâng cấp miễn phí từ người dùng bản Windows 7.
Nghĩa là, người mua bản quyền Windows 7 đã không phải trả thêm tiền cho các bản cập nhật để lên các phiên bản hệ điều hành mới hơn.
Windows 11 sẽ là một bản cập nhật miễn phí cho người dùng Windows 10.
Lý thuyết là vậy nhưng thực tế không có bữa trưa nào là miễn phí. Bởi Windows miễn phí lại giúp Microsoft kiếm nhiều tiền hơn. Thật vậy, gã khổng lồ phần mềm mất 33 năm để đạt vốn hóa 1.000 tỷ USD, nhưng chỉ cần hai năm để chạm mốc 2.000 tỷ USD.
Điều này có nghĩa là, khi chẳng mất gì cả, Microsoft cho đi để nhận lại nhiều hơn bởi những lý do hết sức đơn giản sau:
Miễn phí trước, kiếm tiền sau
Miễn phí phần mềm trước, kiếm tiền dịch vụ sau đã trở thành một xu hướng mới của ngành công nghiệp phần mềm những năm qua. Và Microsoft không thể đứng ngoài cuộc đua này.
Hơn thế nữa, miễn phí đã chứng minh là một mô hình đảm bảo thành công ở kỷ nguyên dữ liệu cá nhân. Càng nắm nhiều thông tin cá nhân, một công ty càng dễ thu tiền từ khách hàng miễn phí, tiêu biểu như Facebook hay Google.
Trong cuộc đua này, Microsoft đã chậm chân khi để khách hàng rơi vào tay đối thủ. Vì thế, miễn phí Windows 11 là một chiến lược để phủ rộng hơn nữa đến các tập khách hàng cả cũ lẫn mới.
Bổ sung vào hệ sinh thái Microsoft
Windows 11 miễn phí chỉ là một cánh cửa để đưa người dùng đến với hệ sinh thái khổng lồ của Microsoft, vốn toàn đồ trả phí.
Nhưng ngay cả khi không miễn phí Windows 11, người dùng cũng còn rất ít lựa chọn khác. Các máy Linux phổ biến trong giới lập trình còn máy Mac thích hợp với dân thiết kế và người dùng cao cấp.
Microsoft có một hệ sinh thái vượt xa những gì Windows 11 miễn phí đem lại.
Chỉ có máy tính Windows là sản phẩm phổ cập nhất. Nhưng trên hết, một hệ sinh thái xoay quanh Windows đã phát triển mạnh tới mức người ta khó có thể làm quen khi chuyển sang một hệ điều hành khác.
Microsoft khiến người dùng cũ không có lựa chọn trong việc chuyển hệ điều hành. Ngay cả người dùng mới cũng có rất ít lựa chọn thay thế. Bởi các máy tính mới bán ra thị trường đều được bán kèm gói cài đặt sẵn Windows 11, điều tương tự như đã từng xảy ra với Windows 10.
Thu tiền từ doanh nghiệp
Khi Windows 11 miễn phí, Microsoft tiếp tục đảm bảo được một tập khách hàng lên tới hàng tỷ người có thói quen sử dụng các dịch vụ trên hệ điều hành này như phần mềm văn phòng Office, phần mềm chat Skype, phần mềm lưu trữ OneDrive, công cụ tìm kiếm Bing, trình duyệt Edge…
Một khi người dùng cá nhân đã quen với những thứ nói trên, Microsoft đã đạt được mục đích tối thượng của người làm công nghệ, đó là dạy (educate) khách hàng. Với thói quen sẵn có, các doanh nghiệp buộc phải lựa chọn sản phẩm của Microsoft và đây chính là miếng bánh béo bở mà Big Tech này nhắm đến.
Microsoft kiếm doanh thu chủ yếu từ dịch vụ đám mây đang lên, trong khi mảng máy tính cá nhân trồi sụt thất thường và phải nhờ đến mảng game để cứu.
Chẳng hạn, các nhà phát triển game buộc phải sử dụng một thư viện lập trình của Microsoft gọi là DirectX hay nhiều công ty giờ đây sử dụng đám mây Azure để quản trị doanh nghiệp. Kết quả là mảng đám mây đang đóng góp doanh thu lớn nhất cho Microsoft, trong khi mảng máy tính và Xbox được gộp lại làm một cũng tăng trưởng tốt.
Hiện tại, Microsoft đang có trong tay 145 triệu người dùng phần mềm họp trực tuyến Microsoft Teams hàng ngày, 1,3 tỷ thiết bị chạy Windows 10 đang hoạt động với 300 triệu người trả tiền sử dụng dịch vụ Office 365 và 23 triệu game thủ trả tiền sử dụng dịch vụ Xbox Game Pass.
Và với Windows 11 ở phía trước, không ngạc nhiên nếu Microsoft có thể giành giật lại những thứ đã đánh mất như mảng tìm kiếm, trình duyệt hay phần mềm nhắn tin tức thời.
Theo Vietnamnet