Viếng chùa đầu năm

27/02/2024 - 06:53

 - Sau những ngày vui tươi, rộn ràng của Tết Nguyên đán, người ta có xu hướng tìm đến chốn linh thiêng để gửi gắm mong ước tốt lành cho năm mới. Mỗi người một câu chuyện đời riêng, nhưng vẫn gặp nhau ở niềm tin vào các đấng siêu nhiên, vào sự an yên của chốn cửa thiềng.

Từ tốn bước qua hơn 300 bậc thang dẫn lên chùa Hang (chùa Phước Điền, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), bạn Nguyễn Ngọc Phương Anh trở lên tươi tắn, vui vẻ với khung cảnh hùng vĩ của ngôi chùa này. Tuy ở thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú) nhưng Phương Anh ít có dịp đến với thắng cảnh chùa Hang, bởi còn bận theo đuổi ước mơ ở giảng đường đại học. Nhân kỳ nghỉ dài này và chuyện học hành còn chưa tất bật, Phương Anh tranh thủ đến chùa lễ Phật như thói quen hàng năm.

“Tôi rất thích đi chùa lễ Phật. Tới cửa thiềng, lòng mình cảm thấy nhẹ nhàng, buông bỏ những áp lực của cuộc sống. Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên đán là tôi đi viếng nhiều điểm chùa ở An Giang, thường là chùa Vạn Linh, chùa Kim Tiên, chùa Lầu (TX. Tịnh Biên)… Càng đi, mình càng thấy những ngôi chùa ở An Giang đều sở hữu cảnh trí rất đẹp, đến một lần là nhớ mãi” - Phương Anh chia sẻ.

Cảnh sắc thanh tịnh giúp du khách tìm được sự an yên

Đồng hành với Phương Anh còn có nhóm bạn cũng rất thích đi chùa, lễ Phật. Nhóm của Phương Anh dự định, sau khi ghé chùa Hang sẽ đến viếng chùa Kim Tiên, chùa Lầu rồi mới quay về. Các bạn đều là sinh viên với những ngành học khác nhau, nhưng vẫn duy trì thói quen hẹn nhau đến chùa lễ Phật đầu năm, như những ngày còn học chung cấp 3.

“Đến chùa, tôi nguyện cầu cho cha mẹ đủ đầy sức khỏe, người thân bình an; bản thân được may mắn, việc học hành thuận lợi và có công việc ổn định sau khi ra trường. Năm qua, áp lực thi cử, rồi làm luận văn khiến tôi mệt mỏi, nhưng mọi thứ cũng dần qua” - Phương Anh chia sẻ thêm.

Việc những người trẻ đến cửa thiềng để tìm cảm giác yên bình, an lạc như Phương Anh ngày càng phổ biến. Với áp lực phải tìm việc làm, phải có thu nhập ổn định để lo toan mọi thứ cho cuộc sống, khiến người ta dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Lúc ấy, họ thường tìm đến sự trang nghiêm của cửa thiềng, lắng nghe tiếng chuông ngân nga vào tâm thức để “buông xả” nhưng điều không hay, để thấu hiểu thêm sự “vô thường”, sẵn lòng đón nhận những điều sẽ đến, những thứ sẽ đi trong cuộc sống…

Cùng mong muốn như Phương Anh, anh Trần Việt Hải từ tỉnh Bạc Liêu lên An Giang. Với gia đình anh, đến An Giang lễ Phật đã trở thành “thông lệ” hàng năm. Ở quê anh Hải vẫn có chùa, nổi tiếng nhất là khu Quán âm Phật Đài với cách gọi dân gian là “mẹ Nam Hải” thu hút rất đông khách hành hương. Tuy nhiên, anh vẫn thích viếng chùa ở An Giang, bởi sự độc đáo trong kiến trúc, phong phú về điểm đến và cảnh vật hữu tình.

“Gia đình tôi luôn thu xếp đi An Giang vào dịp đầu năm mới. Dù không có nhiều thời gian, nhưng mỗi khi đến các ngôi chùa ở An Giang mình cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu bởi cảnh vật vô cùng thanh tịnh. Ngoài việc đến chùa lễ Phật, cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, tôi muốn tìm nơi để thảnh thơi đầu óc. Mình làm kinh doanh, năm qua có quá nhiều khó khăn. Tôi hy vọng chuyến đi này sẽ giúp mình thoải mái hơn, có thêm động lực để định hướng lại công việc trong năm mới” - anh Hải chia sẻ.

Cũng theo anh Hải, những ngôi chùa trên núi Cấm là nơi anh thích đến nhất. Nơi này ngoài phong cảnh hữu tình, còn có khí hậu mát mẻ, dễ chịu, khác hẳn với miệt biển quê anh cứ quanh năm nắng gió. Mỗi lần đến chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc… gia đình anh rất thích chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc tươi đẹp, an lạc của nơi này. Điều anh Hải thấy thú vị là giữa đồng bằng châu thổ vẫn còn những triền hoa sim tím ngát, cả hoa cẩm tú cầu của phố núi Đà Lạt…

Nhằm phục vụ du khách tốt hơn khi đến Khu trung tâm hành hương, Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm đã kiến tạo thêm nhiều tiểu cảnh, chăm sóc hoa kiểng vào dịp đầu Xuân. Đồng thời, còn phối hợp với đơn vị quản lý các cơ sở thờ tự trên núi Cấm tạo điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những tiêu cực trong hoạt động du lịch… tạo sự an tâm cho du khách.

“Du khách đến với cửa thiềng là để tìm đến sự an lạc, thư thái trong tâm hồn. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng phục vụ tốt nhất, để họ giữ mãi ấn tượng tốt đẹp về núi Cấm, về vùng đất An Giang mến khách, nghĩa tình” - Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm Đinh Văn Chắc thông tin.

THANH TIẾN