Việt Nam cần đầu tư phát triển nhân lực và hạ tầng số để thúc đẩy công nghệ bán dẫn

30/07/2024 - 15:28

Sáng 30/7, tọa đàm “Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn” trong khuôn khổ ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024 đã diễn ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Chú thích ảnh

Sản xuất máy tính bảng “Made in Đà Nẵng” có tỉ lệ nội địa hóa gần 60% tại nhà máy Trung Nam EMS (khu Công nghệ Thông tin tập trung thành phố Đà Nẵng). Ảnh tư liệu: Quốc Dũng/TTXVN

Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0, ngành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế số. Công nghệ bán dẫn đã và đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết bị di động, công nghiệp ô tô, công nghiệp sản xuất. Nhận thức được tiềm năng to lớn của ngành bán dẫn, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo an ninh kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên viên trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, các quốc gia toàn cầu bắt buộc phải tham gia vào tiến trình kinh tế số, kinh tế xanh. Quốc gia nào tham gia chậm sẽ bị tụt hậu và loại khỏi “cuộc đua” này. Việt Nam đang thực hiện bước nhảy kép chuyển từ cơ khí cổ điển sang công nghệ số và công nghiệp bán dẫn, từ thời đại công nghệ “nâu” sang công nghệ “xanh”. Đây là bước nhảy lịch sử khốc liệt mà Việt Nam phải thực hiện để bắt nhịp với thế giới trong lĩnh vực công nghệ nói chung và công nghệ bán dẫn nói riêng.

Hiện trên thế giới, ngành công nghiệp bán dẫn phân bổ không đồng đều và do một số quốc gia mạnh chi phối như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Đáng nói, không quốc gia, khu vực nào có toàn bộ dây chuyền sản xuất chip bán dẫn và thị trường bán dẫn còn rất nhiều tiềm năng. Trong cuộc đua làm chủ công nghệ bán dẫn, Việt Nam có nhiều lợi thế, năng lực để lựa chọn các công đoạn tham gia trong chuỗi thiết kế - sản xuất – kiểm định sản phẩm bán dẫn. Tuy nhiên, trong tương lai, sản phẩm bán dẫn "Made in Việt Nam" có đáp ứng được nhu cầu, có được lựa chọn sử dụng hay không cần sự nỗ lực chứng minh năng lực sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, Đào tạo thiết kế vi mạch và Trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng cho biết, hiện Việt Nam chỉ tham gia vào khâu thiết kế và kiểm thử đóng gói trong các công đoạn sản xuất chip bán dẫn. Về mặt thiết kế, hiện nay, Việt Nam có hơn 5.500 kỹ sư kỹ sư. Đây là những kỹ sư rất chất lượng và tập trung chủ yếu 85% ở Thành phố Hồ Chí Minh, 8% ở Hà Nội và 7% Đà Nẵng. Để phát triển công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 3 giải pháp đột phá là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư cho công nghệ bán dẫn.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội chia sẻ, là Thủ đô của cả nước và 1 trong 3 địa phương có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bán dẫn, Hà Nội sẽ đi theo hướng chính quyền đồng hành – doanh nghiệp hiến kế để phát triển kinh tế. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, ban hành cơ chế sinh sách phù hợp, phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và tạo lập thị trường. Đây là những yếu tố quan trọng để tăng cường kết nối đầu tư phát triển công nghệ nói chung và công nghệ bán dẫn nói riêng trên địa bàn Hà Nội.

Với thực tế Việt Nam là nước đang phát triển, nguồn lực đầu tư phân phối cho nhiều lĩnh vực. Mặc dù bán dẫn là công nghệ then chốt để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, tuy nhiên, đầu tư cho công nghệ bán dẫn là bài toán khó, cần được sự đồng hành của các cấp chính quyền trong việc tạo cơ chế ưu đãi, của các doanh nghiệp công nghệ chủ động trong đầu tư cho công nghệ bán dẫn. Đặc biệt, cần sự đồng lòng góp sức, góp trí tuệ của đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam.

Nhận định hiện nay là thời cơ quan trọng, Việt Nam sẽ chủ động tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu theo định hướng lấy phát triển nhân lực làm bước đi đầu tiên và dành nhiều ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Việt Nam cần chủ động tham gia vào tất các công đoạn của chuỗi cung ứng, từ thiết kế, đến đóng gói, kiểm thử và khâu khó nhất là sản xuất bán dẫn. Mục tiêu của Việt Nam là từng bước trở thành một trung tâm về nhân lực bán dẫn, trung tâm nghiên cứu, sản xuất bán dẫn và cung cấp dịch vụ sản xuất cho công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Theo TTXVN