Cuốn sách Chiến trường bán dẫn - Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21 của tác giả Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh được phát hành đúng dịp này, thu hút sự quan tâm của độc giả.
- Tên sách là "Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21", theo bà, sự cạnh tranh nào mang tính chiến lược nhất trên chặng đua này?
Nhiều người cho rằng chỉ cần Chính phủ đầu tư thật nhiều thì có thể đẩy mạnh được công nghệ hoặc nghĩ đây là cuộc đua của các tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, tác phẩm của chúng tôi đưa ra một khung phân tích chính sách gồm 4 trụ cột lớn: Cam kết chính trị, Đầu tư và hỗ trợ tài chính, Phương pháp thúc đẩy công nghệ, Giáo dục đào tạo nhân lực. Quốc gia nào đưa ra một chiến lược trọn vẹn, đủ 4 trụ cột sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh trên chiến trường này.
- Tại sao bà khẳng định “tương lai nước Mỹ dựa trên con chip”? Mỹ đang có lợi thế gì trên đường đua này?
Chất bán dẫn là vật liệu dùng trong sản xuất microchip. Microchip được sử dụng cho hàng loạt công nghệ, từ gia đình tới công sở.
Không có con chip cao cấp nhất, mạnh nhất thì khả năng xử lý dữ liệu cao và các chiến dịch như phát triển năng lượng tái tạo, phát triển AI, phát triển kinh tế vũ trụ, an ninh quốc phòng của Mỹ sẽ bị hạn chế.
Ngành bán dẫn được sinh ra từ nước Mỹ, có lịch sử kéo dài từ Thế chiến thứ Hai. Trong cuốn sách, tôi đề cập tới việc Mỹ từng sáng tạo, đột phá đóng góp nên bức tranh công nghệ bán dẫn hiện nay được sinh ra từ nhu cầu về an ninh quốc phòng trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới và Chiến tranh lạnh tại Mỹ.
Sau khi ngành công nghiệp này cất cánh, được khối tư nhân phát triển và đưa vào ứng dụng dân dụng, Chính phủ Mỹ dịch chuyển tập trung vào các vấn đề khác.
Nhưng việc quốc gia tiên phong công nghệ như Mỹ lại không thể sản xuất chip công nghệ tiên tiến nhất (dưới 5nm) trong nước và những hệ quả gắn với an ninh quốc phòng của việc không nắm giữ công nghệ cao nhất khiến chính phủ và cả hai Đảng đồng lòng thông qua Đạo luật Chips.
Lợi thế của nước Mỹ nằm ở lịch sử phát triển lâu dài này. Việc hình thành một hệ sinh thái đổi mới quốc gia có sự tham gia của nhà nước, các cơ quan đổi mới độc lập, khối tư nhân, trường đại học và cả những nhân tố tiềm năng quy mô siêu nhỏ trong một hệ thống các đạo luật kích thích đổi mới cũng góp phần tạo nên một hệ thống kết nối vững chắc, giúp thúc đẩy cải tiến đổi mới công nghệ.
- Theo bà, giữa Mỹ và Trung Quốc, nước nào sẽ là “đế chế” trên chiến trường bán dẫn này?
Bản đồ bán dẫn đang được vẽ lại. Từ năm 2023, hàng loạt quốc gia đưa ra các bộ chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, ngoài Mỹ, Trung Quốc còn có nước khác.
Mỗi quốc gia sẽ muốn nắm chắc một phần trong chuỗi (ví dụ như Mỹ với phân khúc thiết kế và nắm giữ IP, sản xuất chip tiên tiến nhất), hay muốn nội địa hoá toàn bộ chuỗi cung ứng (như Trung Quốc).
Trong cuốn sách Chiến trường bán dẫn, chúng tôi cũng bắt đầu với câu hỏi: Liệu Mỹ có yếu thế trước Trung Quốc đang phát triển vượt bậc hay không, giống như những gì báo chí quốc tế hay nói?
Tuy nhiên, chương phân tích về Trung Quốc và chương phân tích Mỹ ghép vào sẽ thấy một bức tranh hiện tại rõ ràng và có chứng thực, chứ không chỉ là cảm nhận.
Với số liệu hiện tại, Mỹ nắm giữ phân khúc thiết kế có giá trị cao nhất trong chuỗi bán dẫn và IP thiết yếu. Mỹ còn tạo ra liên minh Chip 4 (với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) để đảm bảo chuỗi cung ứng của mình bên cạnh hàng loạt biện pháp thắt chặt xuất khẩu. Còn Trung Quốc đang gặp khá nhiều điểm nghẽn khi tiếp cận công nghệ cao nhất.
Nhưng tôi không võ đoán Mỹ sẽ mãi duy trì được vị thế dẫn đầu. Chính sách thay đổi liên tục và tôi cũng hy vọng cuốn sách là điểm khởi đầu cho các nghiên cứu khác, cập nhật để đánh giá sát sao hơn.
- Trong cuộc đua về ngành bán dẫn, Việt Nam có cơ hội như thế nào và thách thức ra sao? Hay nói cách khác, Việt Nam cần làm gì để đặt chân vào chuỗi bán dẫn toàn cầu?
Khi nhìn vào bản đồ ngành bán dẫn trong chương một của cuốn sách, có thể độc giả cảm thấy đây là một thị trường bị chiếm đóng bởi 6 quốc gia lớn, và một số ít tập đoàn công nghệ khó có thể nhanh chóng bắt kịp và cạnh tranh.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khả năng phân tích xử lý dữ liệu cao, nếu không là chuỗi cung ứng hiện tại thì có thể nghĩ tới chuỗi cung ứng của tương lai.
Ví dụ, để xây dựng một nhà máy fab (nhà máy thực sự sản xuất chip) tại Arizona, Mỹ bắt đầu từ năm nay thì mất tầm 5 năm và 5 năm sau đó, họ sẽ cần ít nhất trên 5.000 kỹ sư.
Với việc xây dựng hàng loạt fab ở nhiều nơi, nhu cầu về kỹ sư đủ trình độ, đủ kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, đa chiều, có thể làm việc trong và ngoài nước là rất cao.
Đầu tư vào con người là đầu tư lâu dài không chỉ cho ngành bán dẫn mà còn tăng cường củng cố tiềm năng đột phá công nghệ, giảm thiểu thất nghiệp cơ cấu khi các ngành công nghiệp chuyển đổi.