Việt Nam có thể học tập công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc

22/12/2023 - 10:30

 - Sáng 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp chủ trì hội nghị tại điểm cầu An Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu An Giang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, công nghiệp văn hóa là lĩnh vực mới, nhạy cảm, có độ tác động lớn, bao phủ rộng trong xã hội. Quan điểm, tầm nhìn của Đảng về văn hóa là xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc; văn hóa phải mang tính khoa học, tính đại chúng, được đông đảo công chúng đón nhận.

Khi thụ hưởng các sản phẩm văn hóa, công chúng sẽ có đóng góp trở lại để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sáng tạo văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa cạnh tranh và thu hút thêm nhiều nguồn lực cho đất nước. Trong nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam có thể nghiên cứu, học tập Hàn Quốc – đất nước rất thành công trong xây dựng công nghiệp văn hóa, quảng bá các sản phẩm văn hóa ra khắp thế giới, đặc biệt là điện ảnh và âm nhạc.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần phải lượng hóa giá trị của nền công nghiệp văn hóa để có đánh giá, so sánh, quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Đồng thời, đề xuất giải pháp về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích và tạo thuận lợi về hạ tầng, công nghệ số, nguồn vốn đầu tư để huy động nhiều nguồn lực tham gia đầu tư sản phẩm văn hóa, đặc biệt là doanh nghiệp.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng dự thảo, tập hợp ý kiến rộng rãi để trình Chính phủ ban hành nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy công nghiệp văn hóa; tiến tới xây dựng, ban hành Luật Công nghiệp văn hóa để tạo cơ chế chế pháp lý, triển khai chính sách thu hút đầu tư vào các sản phẩm văn hóa chủ lực, giải quyết điểm yếu về nguồn nhân lực, hạ tầng công nghiệp văn hóa.

Theo các doanh nghiệp, Việt Nam nằm trong “Top 10” các nước có doanh thu phòng vé cao nhất. Tuy nhiên, phim Việt chỉ mới chiếm 30% trong các rạp phim ở Việt Nam. Do vậy, cần có cơ chế mở để tận dụng cơ hội cho ngành công nghiệp điện ảnh, khi khán giá có khuynh hướng dịch chuyển sang xem phim Châu Á. Các doanh nghiệp đề nghị, phải coi trọng sản phẩm văn hóa, xử lý nghiêm hành vi “ăn trộm” sản phẩm văn hóa, khơi thông nguồn vốn để doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm văn hóa…

NGÔ CHUẨN