Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực phòng, chống mua bán người

13/03/2023 - 14:40

Việt Nam luôn tạo điều kiện cho việc di cư hợp pháp, an toàn và kiên quyết đấu tranh phòng, chống việc di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.

Lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận một em bé bị bán sang Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hoàng/TTXVN

Với quan điểm luôn tạo điều kiện cho di cư hợp pháp, an toàn và trật tự đồng thời kiên quyết đấu tranh chống di cư trái phép, Chính phủ Việt Nam xác định phòng ngừa người di cư trái phép và công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và được thực hiện một cách chủ động cùng sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế.

Bảo vệ người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người

Tháng 8/2022, 42 công dân Việt Nam bỏ trốn khỏi sòng bài thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia, bơi qua sông Bình Di, An Giang để về nước. Khai báo với cơ quan chức năng, những người này cho biết đã xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam sang Campuchia. Sau khi sang đây, họ làm việc tại casino, do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi và không được trả lương, nhóm người này bàn bạc, tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Vụ việc như một hồi chuông cảnh báo về việc có không ít người bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại nước ngoài với viễn cảnh “việc nhẹ lương cao” trong thời gian qua.

Có thể thấy, Việt Nam luôn tạo điều kiện cho việc di cư hợp pháp, an toàn và kiên quyết đấu tranh phòng, chống việc di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người.

Chia sẻ với phóng viên nội dung liên quan, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam quyết liệt triển khai công tác phòng, chống buôn bán người cũng như triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với các giải pháp, nhiệm vụ mới nhằm ngăn chặn mua bán người trong mọi lĩnh vực.

Từ ngày 1/1/2022, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 chính thức có hiệu lực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở nước ngoài và phòng ngừa nạn buôn người.

Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Tại Việt Nam, ngày 30/7 hằng năm được chọn là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Bà Phạm Thu Hằng cũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành 20/3/2020 nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), lao động nhập cư, những người đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, có nguy cơ rơi vào tình trạng lao động cưỡng bức cao gấp 3 lần so với người khác. Do đó, Việt Nam hợp tác chặt chẽ cùng cộng đồng quốc tế phòng, chống các hình thức buôn bán người, di cư trái phép.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN trong chuyến thăm, làm việc ở Việt Nam mới đây, Đặc phái viên về Di cư, Nô lệ hiện đại và Mua bán người của Chính phủ Anh Andrew Patrick nhấn mạnh, với quy mô và tác động sâu rộng của vấn đề này, cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, di cư trái phép đòi hỏi sự chung tay phối hợp và đổi mới hành động trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Ông Andrew Patrick cho biết thêm, Việt Nam và Anh hợp tác rất chặt chẽ trong việc thúc đẩy di cư an toàn và ngăn chặn nạn buôn bán người, đồng thời lưu ý rằng hai nước có chung mục tiêu khuyến khích di cư hợp pháp và "có sự hợp tác tốt" trong vấn đề này.

“Rộng hơn, chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam khi Việt Nam gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc”, Đặc phái viên nói. 

Vương quốc Anh cùng với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và các tổ chức khác đang hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa kế hoạch thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (Thỏa thuận GCM).

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Doyen Yun, Giám đốc Dự án và Đối tác của IOM cho biết, Quỹ Phòng, chống nô lệ hiện đại của Chính phủ Anh đã giúp tổ chức này và các đối tác tại Việt Nam giải quyết vấn đề liên quan đến nạn buôn người. “Sự hợp tác này phù hợp với các ưu tiên đặt ra trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, bà Doyen Yun cho hay.

Nêu bật mối quan hệ song phương “mạnh mẽ” giữa hai Chính phủ Việt Nam và Anh, bà Doyen Yun lấy ví dụ Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV). Dự án là một sáng kiến hợp tác liên ngành với Chính phủ Việt Nam và các chủ thể địa phương để phát huy vai trò của họ trong việc giảm thiểu tác động với các cá nhân và cộng đồng do nạn buôn bán người, thông qua truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường tiếp cận pháp luật và hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập, lấy nạn nhân làm trung tâm.

Trong hơn 3 năm qua, từ năm 2018 đến năm 2022, Dự án đã nâng cao năng lực cho 1.782 người tham gia chống mua bán người, trong đó 425 cán bộ làm công tác phòng ngừa, 392 cán bộ khối tư pháp và 965 cán bộ khối công an; nâng cao nhận thức của hơn 2,93 triệu người về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn, đồng thời giúp 1.680 người được tiếp cận các cơ hội việc làm tại địa phương và các con đường di cư lao động hợp pháp.

Bà Doyen Yun nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có chỉ số phát triển con người cao nên ngoài góc độ bảo vệ người di cư, các hoạt động Dự án TMSV còn gắn liền với sự phát triển bền vững đất nước.

Đánh giá về hợp tác thực hiện Dự án TMSV, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Dự án nhằm cụ thể hóa nội dung mà Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam đã cam kết triển khai, thực hiện trên 3 lĩnh vực tác động: Phòng ngừa, truy tố xét xử và bảo vệ.

Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên nhấn mạnh, sau thời gian thực hiện Dự án, giai đoạn 2018-2021, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các nhà tài trợ với các đơn vị, địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của 5 tỉnh, thành phố là địa bàn thụ hưởng dự án (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình), đến nay, cơ bản các hoạt động của Dự án đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên cả 3 lĩnh vực tác động.

Nhấn mạnh các kết quả tích cực của Dự án, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên cho biết các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm ngăn ngừa nhóm dễ bị tổn thương khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trên địa bàn các tỉnh triển khai Dự án đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất đi vào cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau.

Dự án đã thúc đẩy hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử những vụ việc và thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người. Nhiều hoạt động hỗ trợ, xác minh và xác định nạn nhân, người có nguy cơ là nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam… Qua đó, có nhiều đối tượng được trợ giúp các nhu cầu khẩn cấp và thiết yếu, phát triển sinh kế…

Theo TTXVN