Là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-27 lần này với vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị APPF-26 đã có những hoạt động tích cực góp phần làm nổi bật những đóng góp của Quốc hội nước ta đối với sự phát triển của APPF.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu Quốc hội Liên bang Nga. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Những ý tưởng thực chất và tầm nhìn dài hạn
Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương thành lập từ năm 1993, nhằm tăng cường đối thoại giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại và văn hóa, góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực.
Chủ đề của APPF-27 là “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững”. Chủ đề này là nền tảng cho các cuộc thảo luận trong ba ngày (từ 14-16/1) và đã được các Trưởng đoàn hiện thực hóa thành 14 Nghị quyết và Thông cáo chung Siem Reap 2019 tại Lễ bế mạc vào ngày 16/1/2019.
Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương là một diễn đàn mở cho tất cả các nghị viện và nghị sỹ các quốc gia trong khu vực. Nhận định về kết quả hội nghị, Chủ tịch APPF-27, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin khẳng định Hội nghị thường niên lần thứ 27 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương đã thành công tốt đẹp. Các đoàn đại biểu đã đề ra những ý tưởng thực chất và tầm nhìn dài hạn cho một chiến lược quan trọng nhằm xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hài hòa và phát triển bền vững, đáp ứng nguyện vọng của tất cả các quốc gia.
Tiếp tục khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và chủ động
Với tư cách là Chủ tịch APPF- 26, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng. Chủ tịch Quốc hội nhắc lại những thành công của APPF- 26 được tổ chức tại Hà Nội, đánh giá về kết quả thực hiện Tuyên bố Hà Nội và các văn kiện đã được thông qua tại APPF- 26.
Để APPF tiếp tục là Diễn đàn hoạt động hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn các nghị viện thành viên tiếp tục hợp tác toàn diện, chặt chẽ trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội và phát triển bền vững. Trong tiến trình này, cần có một lộ trình phù hợp, dựa trên tinh thần đồng thuận, đoàn kết với phương châm “không bỏ ai lại phía sau” và “biến lời nói thành hành động".
Đánh giá sự tham dự của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam về bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại APPF-27, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết APPF- 27 có sự tham dự của 20 đoàn, trong đó có 3 đoàn do Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện dẫn đầu, sáu đoàn do Phó Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện dẫn đầu. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu tham dự APPF-27. Thành phần đoàn Việt Nam có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thể hiện Quốc hội Việt Nam ủng hộ Campuchia trên cương vị Chủ tịch APPF- 27 và mong muốn tiếp tục đóng góp thực chất, tích cực và có trách nhiệm cho APPF.
Qua theo dõi, bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện, đại biểu Quốc hội/nghị sĩ các nước thành viên tham dự hội nghị đón nhận và đánh giá rất cao, nhất là về tinh thần xây dựng APPF hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, có đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của khu vực và thế giới. Các nhà lãnh đạo cấp cao Campuchia khi hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều cho rằng bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá: “Tại APPF- 27, đoàn Việt Nam tham gia rất nhiệt tình, đầy đủ và trách nhiệm tại tất cả các phiên làm việc của APPF: Hội nghị Nữ nghị sĩ APPF, các phiên họp toàn thể về các vấn đề chính trị, an ninh; về kinh tế, thương mại và về hợp tác trong khu vực trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thúc đẩy da dạng văn hóa và du lịch trong khu vực… Điều đó cho thấy sự ủng hộ chân thành của Việt Nam mong muốn nước bạn Campuchia tổ chức thành công APPF, coi thành công của bạn cũng chính là thành công của mình và là thành công của tình hữu nghị giữa hai nước”.
Cùng với đó, tại APPF 27, Việt Nam đồng bảo trợ hai nghị quyết. Nghị quyết thứ nhất là về hợp tác phát triển đa dạng văn hóa và du lịch. Nghị quyết này phù hợp với cả nước bạn và nước ta trên đà phát triển, bởi văn hóa là nền tảng quan trọng để phát triển và tiềm năng về văn hóa, du lịch của hai nước còn rất lớn. Thông qua nghị quyết, cả hai nước cùng có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế về tiềm năng này. Nghị quyết thứ hai là xây dựng thể chế vững chắc để thúc đẩy thương mại và phát triển bao trùm.
Nhìn chung, cả hai nghị quyết Việt Nam đồng bảo trợ đều nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên, không có ý kiến khác. Hội nghị APPF- 27 tại Siem Reap nhận được 43 đề xuất dự thảo nghị quyết và tại Lễ bế mạc đã thông qua 14 nghị quyết. Cả hai nghị quyết do Việt Nam đề xuất đều được thông qua và nhận được sự đồng thuận rất cao.
Tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị
Quang cảnh Phiên toàn thể cuối cùng của Hội nghị APPF – 27. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Trong chuyến công tác tham dự APPF- 27 lần này, mặc dù thời gian ngắn nhưng Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động song phương quan trọng với các nhà lãnh đạo Campuchia và Lào.
Trong các cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội với các nhà lãnh đạo cấp cao của Campuchia, phía bạn đều bày tỏ xúc động khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự APPF- 27, hỗ trợ Campuchia tổ chức hội nghị, góp phần vào thành công chung.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết tại các cuộc hội kiến với lãnh đạo Campuchia, các nhà lãnh đạo Campuchia đã nhắc lại sự kiện cả hai nước vừa long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Trong bài phát biểu mở đầu quan trọng tại phiên khai mạc APPF- 27, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Samdech Hun Sen đã phát biểu cảm ơn Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam với tinh thần yêu chuộng hòa bình đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và hàn gắn vết thương chiến tranh. Còn Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Samdech Say Chhum đã nói một câu rất xúc động: “Dù thế giới biến đổi như thế nào, tình bạn Việt Nam-Campuchia không bao giờ thay đổi”. Với cách nhìn như vậy, hai nước luôn coi trọng việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ, vun đắp quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết giữa hai nước, hai dân tộc đã được các thế hệ cha anh xây dựng, vun đắp bằng cả máu xương.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF-27 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu nhằm tiếp tục thực hiện vai trò chủ động, tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam tại diễn đàn này, góp phần thúc đẩy những nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước ta vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Đây cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp xúc và trao đổi với nghị sĩ các nước về những mối quan tâm chung của khu vực và thế giới.
Xuất phát từ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia, đây cũng là dịp thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Campuchia - chủ nhà của Hội nghị APPF-27.
Cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou diễn ra trong bầu không khí thắm tình hữu nghị đồng chí, anh em. Chủ tịch Quốc hội Lào đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam dành cho Lào, nhất là thông qua việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, qua đó giúp Quốc hội Lào ngày càng nâng cao hiệu quả làm việc. Từ những kết quả hợp tác tốt đẹp năm 2018, qua trao đổi và gợi mở tại cuộc tiếp xúc giữa hai nhà lãnh đạo, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou cho biết sẽ sớm sang thăm Việt Nam để hai bên có thể tiếp tục trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt-Lào.
Theo HOÀNG THỊ HOA (TTXVN)