Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, nguồn nước là một trong các yếu tố thiết yếu nhất cho sự sống và đóng vai trò quan trọng cho sinh kế và phát triển của dân.
Ngày 23/5, Việt Nam đã phối hợp Slovenia, Thụy Sĩ và một vài nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác đồng tổ chức Sự kiện về “Ngăn ngừa tấn công nguồn nước trong xung đột vũ trang và tăng cường bảo vệ thường dân” trong khuôn khổ “Tuần lễ bảo vệ thường dân Liên hợp quốc".
Tại Phiên thảo luận, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế đã đánh giá về thực trạng các cơ sở hạ tầng về nước bị tấn công trong xung đột vũ trang, đe dọa đến sự sống và hoạt động của người dân trong khu vực xung đột, cũng như chia sẻ về các thực tiễn tốt và các biện pháp để tăng cường tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa các bên tấn công nguồn nước và bảo vệ thường dân.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu nhấn mạnh, nguồn nước là một trong các yếu tố thiết yếu nhất cho sự sống và đóng vai trò quan trọng cho sinh kế và phát triển của người dân.
Tình trạng phá hủy các dịch vụ và cơ sở hạ tầng về nước và hạn chế tiếp cận với nước sạch trong xung đột đã gây ra nhiều khó khăn cho cuộc sống của những người dân vô tội; đồng thời, tình trạng ô nhiễm và thiếu hụt nước còn làm trầm trọng hơn mất an ninh lương thực, tình trạng y tế và buộc người dân phải rời khỏi nơi ở.
Qua đó, Việt Nam đề xuất một số biện pháp để tăng cường bảo vệ nguồn nước trong xung đột vũ trang.
Trước hết, giải quyết gốc rễ của xung đột là cách tốt nhất để bảo vệ thường dân và nguồn nước, với vai trò quan trọng của Hội đồng Bảo an. Nghị quyết 2573 do Việt Nam giới thiệu là một trong các sáng kiến quan trọng trong vấn đề này và việc thực hiện cần phải được tăng cường.
Thứ hai, tất cả các bên trong xung đột vũ trang cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế và phải chịu trách nhiệm với các hành động tấn công nguồn nước và cơ sở hạ tầng nước.
Thứ ba, tăng cường hợp tác về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới cần được ưu tiên để bảo đảm quản lý hiệu quả và công bằng các nguồn nước chung, duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển bền vững, ngăn ngừa xung đột.
Các cơ chế của Liên hợp quốc và cơ chế khu vực đóng vai trò thiết yếu trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các nước vì phát triển và thịnh vượng chung.