Thủ tướng sẽ tham dự lễ khai trương văn phòng xúc tiến thương mại thứ 2 của Việt Nam tại Trung Quốc - Ảnh Ngọc Thắng
Hội chợ này là sáng kiến của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai - con đường" được tổ chức vào tháng 5-2017 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Hội chợ quốc tế nhập khẩu Trung Quốc (China International Import Exposition - CIIE 2018) sẽ được tổ chức lần đầu tiên từ ngày 5 - 10-11 tại Thượng Hải (Trung Quốc) và sẽ diễn ra định kỳ hàng năm.
CIEE được xác định là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của Chính phủ Trung Quốc với mục tiêu mở cửa thị trường Trung Quốc ra thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc, góp phần thúc đẩy sáng kiến “Vành đai - con đường” cũng như quá trình toàn cầu hóa.
Hội chợ gồm khu trưng bày các gian hàng quốc gia và khu triển lãm doanh nghiệp. Riêng khu triển lãm doanh nghiệp có quy mô trên 210.000 m2. Theo thông báo của ban tổ chức, hội chợ năm nay thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiếp nhận đăng ký của hơn 150.000 khách tham quan và giao dịch.
Là 1 trong số 12 quốc gia tham gia hội chợ với tư cách quốc gia danh dự (châu Á có 3 quốc gia được chọn với tư cách danh dự là Việt Nam, Indonesia, Pakistan), đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu sẽ tham dự lễ khai mạc và diễn đàn kinh tế thương mại quốc tế Hồng Kiều dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đại diện lãnh đạo các quốc gia tham gia hội chợ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu tại lễ khai mạc.
Theo Bộ Ngoại giao, khu gian hàng quốc gia Việt Nam có quy mô 256 m2 trưng bày và giới thiệu quảng bá thông tin, hình ảnh quốc gia, tiềm năng và thành tựu thương mại, đầu tư, du lịch cũng như các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Khu gian hàng thương mại có quy mô 245 m2 với sự tham gia của 25 doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu tốt và thương hiệu uy tín như: Vinamilk, TH True Milk, cà phê Trung Nguyên, đường Quảng Ngãi, thực phẩm Hapro, thủy sản Cửu Long An Giang, thực phẩm Sa Giang, thực phẩm G.O.C, gạo Tấn Vương, dừa Lương Quới, FPT...
Bên cạnh đó, 2 hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại thành phố Thượng Hải và tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cũng sẽ được tổ chức từ ngày 6 - 9-11 với sự tham dự của trên 100 đại diện doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng...
Nhân dịp tham dự hội chợ, chiều 5-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự lễ khai trương Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu. Đây là kết quả thực hiện một trong những nội dung trong tuyên bố chung của hai nước Việt Nam và Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Tập Cận Bình vào tháng 11-2017. Đây cũng là văn phòng xúc tiến thương mại thứ 2 của Việt Nam tại Trung Quốc, sau văn phòng ở Trùng Khánh.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định, kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây đạt trung bình trên 20%/năm.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 2017 đạt 93,69 tỉ USD, tăng 30,2% so với năm 2016; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,46 tỉ USD, tăng 61,5%; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 58,22 tỉ USD, tăng 16,4%.
Tính hết 9 tháng năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 76,06 tỉ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Thanh Niên