Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo tự do báo chí

16/06/2023 - 07:12

 - Thời gian qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí ở nước ta. Bằng những luận điệu trơ trẽn, chiêu bài “bảo vệ nhà báo”, “đấu tranh đòi lại quyền tự do báo chí” hòng chia rẽ nội bộ, giảm uy tín của Đảng và nhà nước.

Đội ngũ làm công tác báo chí không ngừng trưởng thành, lớn mạnh

Ngày 3/5/2023, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) công bố “Bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023”, trong đó xếp báo chí Việt Nam ở vị trí áp chót. Những thông tin “Bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023” của RSF đưa ra là không khách quan, không đúng thực tế với tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam…

Nguy hiểm hơn, những quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam còn tạo ra cái nhìn sai lệch, thiếu thiện cảm của cộng đồng quốc tế về Việt Nam; ảnh hưởng tiêu cực đến đánh giá của cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền và sự phát triển của Việt Nam.

Thực tiễn về tự do báo chí ở Việt Nam không như những gì các đối tượng chống phá xuyên tạc, thêu dệt. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng, nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Trong mọi giai đoạn của sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm phát triển lĩnh vực báo chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đề cao vai trò của báo chí, tự do báo chí và thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm quyền tự do báo chí. Điều 10 Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946) ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Những quyền cơ bản này được hiến định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Việt Nam.

Điều 25, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 4, Luật Báo chí 2016 nêu rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”…

Thực tiễn chứng minh, báo chí của Việt Nam là báo chí cách mạng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, thông tin rộng rãi mọi mặt đời sống xã hội đến với nhân dân; tham gia phản biện xã hội, là cầu nối chuyển tải hiệu quả tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, đề xuất chính đáng của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đến cơ quan chức năng.

Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật rất chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch. Tại Điều 9, Luật Báo chí 2016 nghiêm cấm việc “Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng”.

Đặc biệt, chương II của Luật Báo chí 2016 tập trung đề cập: Quyền tự do báo chí của công dân; quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trách nhiệm của nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân…

Trong đó, quy định: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình… Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng…

Hoạt động báo chí ở Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Cuối năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học - nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực… 77 kênh phát thanh và 194 kênh truyền hình trong nước; 57 kênh nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Cả nước có khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó 19.356 người được cấp thẻ nhà báo… Công tác thông tin trên báo chí thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội.

Báo chí làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Thông qua báo chí góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí; mở rộng quan hệ quốc tế; đấu tranh với các hành vi phạm pháp và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành với đất nước và dân tộc, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 HỮU NGUYÊN