Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa 5G đầu năm 2024

07/09/2023 - 14:44

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, theo lộ trình, Bộ TT&TT sẽ đấu giá tần số 5G vào tháng 11/2023 và cấp phép 5G vào cuối năm 2023.

Bên cạnh việc triển khai cấp phép băng tần, Việt Nam cũng sản xuất thiết bị viễn thông 5G. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, để triển khai thương mại hóa 5G, Bộ TT&TT sẽ phải tiến hành đấu giá tần số theo quy định. 

“Bộ trưởng Bộ TT&TT rất trăn trở làm sao có thể đấu giá được tần số để triển khai các công nghệ mới. Nhưng từ năm 2019 đến nay, chúng ta không làm được mà phải đợi Luật tần số sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2023. Sau đó, Bộ TT&TT đã xây dựng Nghị định 63 để tổ chức, tính toán mức đấu giá tần số. Theo lộ trình, sẽ đấu giá tần số vào tháng 11/2023”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT muốn tổ chức đấu giá sớm hơn cũng không được vì phải đợi Luật Tần số có hiệu lực mới triển khai. Việc đấu giá phải tuân thủ quy trình của Nhà nước. Dự kiến, sau khi đấu giá vào tháng 11 này Bộ TT&TT sẽ cấp phép tần số 5G trong năm 2023 để có thể khai trương 5G vào năm 2024. 

“Bên cạnh việc triển khai cấp phép băng tần 5G, Việt Nam cũng sản xuất thiết bị viễn thông 5G. Viettel đã sản xuất thiết bị viễn thông 5G và đang đo kiểm những bước cuối cùng. Dự kiến, khoảng 1 tháng rưỡi nữa, Bộ TT&TT sẽ cấp chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam cho thiết bị 5G của Viettel”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói tiếp.

Mới đây, Bộ TT&TT đã ký quyết định về việc tổ chức xác định mức thu với các băng tần để kích hoạt quá trình đấu giá cấp quyền sử dụng tần số cho 4G và 5G.

Theo đó, các băng tần 700 MHz (703-733 MHz và 758-788 MHz), 2600 MHz (2500-2600 MHz), 3700 MHz (3560-4000 MHz) sẽ được đem đấu giá. Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho rằng, đây là bước đầu tiên kích hoạt quá trình triển khai đấu giá để cấp quyền sử dụng tần số các băng tần này cho 4G và 5G tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT giao Cục Tần số Vô tuyến điện lựa chọn tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá (tổ chức thẩm định giá) xác định mức thu cơ sở đối với các băng tần 703-733 MHz và 758-788 MHz, 2500-2600 MHz, 3560-4000 MHz; trên cơ sở kết quả do tổ chức thẩm định giá xác định để trình Bộ trưởng ban hành mức thu cơ sở đối với các băng tần.

Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, tại Việt Nam, băng tần 700 MHz trước đây chủ yếu được sử dụng cho hệ thống truyền hình tương tự mặt đất. Hệ thống này đã được thay thế bởi truyền hình số mặt đất theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Ngày 28/12/2020, Việt Nam đã chính thức ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trên cả nước và băng tần 700 MHz đã được giải phóng để sẵn sàng cho triển khai hệ thống thông tin di động IMT.

Việc ban hành quy hoạch băng tần 700 MHz cho thông tin di động IMT được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội: Doanh nghiệp có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để tiến hành đấu giá và cấp phép sử dụng băng tần 700 MHz; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân khi dịch vụ thông tin di động 4G và 5G được phát triển, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi.

Với việc kích hoạt quá trình đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các băng tần 700 MHz, 2600 MHz, 3700 MHz, kỳ vọng sẽ có thêm hơn 500 MHz băng thông (cả ở băng tần low-band và các băng tần mid-band) được bổ sung cho hệ thống thông tin di động IMT để triển khai 4G/5G tại Việt Nam.

Lượng tần số mới được bổ sung sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ “đảm bảo tần số cho di động băng thông siêu rộng và phổ cập”, góp phần hoàn thành sứ mệnh của ngành viễn thông trong giai đoạn mới về “Xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn”.

Theo Vietnamnet