Ông Masahiko Metoki trúng cử vị trí Tổng giám đốc UPU
Từ ngày 9-8 - 27-8-2021, Đại hội lần thứ 27 của Liên minh Bưu chính Thế giới (Universal Postal Union – viết tắt là UPU) - tổ chức chuyên ngành bưu chính thuộc Liên Hợp Quốc được diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp tại thành phố Abidjan, Bờ Biển Ngà.
Chủ tịch nước và Chính phủ đã ủy quyền cho Đoàn Việt Nam với các Lãnh đạo đoàn là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tham dự trực tiếp tại Abidjan và Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn dẫn đầu đoàn tham dự từ Việt Nam.
Đại hội là cơ quan cao nhất của Liên minh Bưu chính thế giới - UPU, được triệu tập 4 năm một lần với sự tham dự của đại diện các nước thành viên UPU.
Trong kỳ này, Đại hội đã thông qua Chiến lược và kế hoạch kinh doanh bưu chính thế giới; xem xét vấn đề đổi mới hệ thống đóng góp niên liễm, mở cửa UPU cho các bên liên quan tham gia; xác định những vấn đề về chính sách, tài chính của Liên minh nhiệm kỳ 2022 - 2025; thảo luận, thông qua và ký kết sửa đổi, bổ sung các văn kiện của UPU; bầu các vị trí lãnh đạo Văn phòng quốc tế UPU và cơ quan điều hành UPU.
Ông Masahiko Metoki, quốc tịch Nhật Bản, tân Tổng giám đốc Văn phòng quốc tế UPU nhiệm kỳ 2022-2025 (bên trái) sẽ nhận nhiệm vụ từ tháng 1-2022.
Tại phiên họp toàn thể Đại hội UPU lần thứ 27 diễn ra trong hai ngày 25 - 26-8, Đại hội đã tiến hành bầu các vị trí Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc Văn phòng quốc tế UPU, các thành viên Hội đồng Điều hành và thành viên Hội đồng Khai thác bưu chính của UPU nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Kết quả, ông Masahiko Metoki, quốc tịch Nhật Bản đã được Đại hội tín nhiệm bầu và trúng cử vị trí Tổng giám đốc và ông Marjan Osvald, quốc tịch Slovenia đã trúng cử vị trí Phó Tổng giám đốc Văn phòng quốc tế UPU. Đại hội cũng chọn được 40 thành viên Hội đồng Điều hành và 48 thành viên Hội đồng Khai thác bưu chính nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Việt Nam lần đầu trúng cử là thành viên Hội đồng Khai thác bưu chính
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tham gia tích cực trong các hoạt động của UPU, là thành viên của Hội đồng Điều hành trong 4 nhiệm kỳ và có 2 nhiệm kỳ liên tiếp gần đây.
Theo quy định của UPU mỗi quốc gia không được ứng cử tiếp vào Hội đồng Điều hành nếu đã 2 lần liên tiếp là thành viên Hội đồng.
Do vậy, việc Việt Nam ứng cử và trúng cử vào Hội đồng Khai thác Bưu chính nhiệm kỳ 2022 - 2025 đã thể hiện sự tham gia tiếp nối của Việt Nam trong các hoạt động chung của UPU, đặc biệt trong xu hướng thương mại điện tử và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ trên thế giới.
Việc Việt Nam trúng cử vào các cơ quan, hội đồng của các tổ chức quốc tế trong hệ thống cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng là một hoạt động cụ thể triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ, Trưởng phái đoàn của Việt Nam dự trực tiếp Đại hội tại Bờ Biển Ngà tham gia bỏ phiếu tại Đại hội UPU lần thứ 27.
Trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Khai thác bưu chính của UPU nhiệm kỳ 2022- 2025, Việt Nam đặc biệt là Vietnam Post với vai trò là doanh nghiệp bưu chính được chỉ định, sẽ tiếp tục có cơ hội tốt để tham gia sâu hơn vào hoạt động nghiệp vụ bưu chính quốc tế.
Cùng với đó, tham gia vào Hội đồng Khai thác bưu chính của UPU, Vietnam Post sẽ thuận lợi trong việc nâng cao vị thế của Bưu chính Việt Nam; đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng chính sách về nghiệp vụ bưu chính quốc tế; có tiếng nói trong việc xây dựng và đưa ra các chính sách về nghiệp vụ hợp lý đảm bảo quyền lợi cho các nước đang phát triển.
Đồng thời, có thể tiếp cận sâu vào những hoạt động của Hội đồng Khai thác bưu chính để cập nhật nhiều nguồn thông tin, xu hướng phát triển của bưu chính thế giới phục vụ cho việc triển khai hiệu quả hơn nữa hoạt động bưu chính của Việt Nam; mở rộng quan hệ hợp tác song phương với các nước thành viên Liên minh đặc biệt là thành viên của POC; có nhiều cơ hội thu hút hoạt động hợp tác, hỗ trợ dự án để cải tiến tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng mạng lưới và dịch vụ.
Trước đó, Bộ TT&TT đã thành lập Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội gồm một số đơn vị liên quan của Bộ và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) để nghiên cứu xây dựng nội dung tham gia cũng như tiến hành cho công tác vận động ứng cử của Việt Nam.
Ngoài việc tham gia tích cực và có đóng góp về nội dung trong các ủy ban, nhóm công tác chuyên trách của Hội đồng Điều hành và các hoạt động chung của UPU, Tiểu ban đã tích cực xây dựng các nội dung, đề xuất cụ thể của Việt Nam tại Đại hội và tiến hành vận động ứng cử trước và ngay tại Đại hội.
Để đi đến thành công này, phải kể đến sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TT&TT và Bộ Ngoại giao suốt thời gian qua. Bên cạnh việc vận động qua kênh chuyên ngành thì vận động qua kênh ngoại giao đóng vai trò quan trọng góp phần tăng sự ủng hộ của các nước đối với Việt Nam.
Trong kỳ Đại hội lần này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam là đại diện của Việt Nam tham dự trực tiếp tại Abidjan, phát biểu tại phiên toàn thể Đại hội, tiến hành các hoạt động vận động, tham gia bỏ phiếu kín trực tiếp về bầu cử và ký các sửa đổi, bổ sung văn kiện tại Đại hội.
Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT
Theo Vietnamnet