Xòe Thái là điệu múa gắn kết cộng đồng từ ngàn xưa của người Thái ở Tây Bắc. Không kể già trẻ, trai gái, giàu nghèo, tất cả đều bình đẳng khi nắm tay nhau hòa vào một vòng múa xòe.
"Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi" - câu dân ca này đã khẳng định vị thế của điệu xòe trong đời sống đồng bào dân tộc Thái.
Những ngày cuối năm 2021, Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với khách du lịch, điều Xòe đặc biệt bởi nó có thể được trải nghiệm bởi bất kỳ ai, không yêu cầu trình độ hay năng khiếu ở người múa. Một vòng xòe càng đông càng vui, càng múa càng say sưa trong tiếng nhạc du dương.
Màn Đại Xòe tại Nghĩa Lộ năm 2019 với sự tham gia của 5000 người. Ảnh: Giang Huy
Vinh danh Xòe Thái bằng vở đại vũ kịch
"Xòe Thái – tinh hoa miền di sản"là chủ đề của Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022. Chương trình sẽ diễn ra tại Sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào 20h00 ngày 24/9, trực tiếp trên VTV1 và tiếp sóng Đài truyền hình Yên Bái.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến và ekip gọi đây là một chương trình "để đời" khi có thể đưa lên sân khấu vở đại vũ kịch hoành tráng. Vở vũ kịch kể câu chuyện lịch sử, con người, văn hóa, đời sống của người Thái qua ba chương: Thiên di - Dựng bản, lập mường; Miền di sản và Tinh hoa nghệ thuật xòe.
Liên tiếp các đại cảnh công phu sẽ được dàn dựng từ sân khấu chính chạy dài xuống cả sân vận động, lấy cảm hứng từ dòng sông Nậm Thia chảy từ thượng nguồn xuống đồng bằng.
Đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ đã mất 3 tháng để đi tìm ý tưởng cho kịch bản chương trình. Ảnh: Newday Media
"Chúng tôi sử dụng rất nhiều công nghệ như 3D mapping, visual laser nhưng tôi tin công nghệ chỉ mang tính bổ trợ mà thôi. Sự xúc động và cảm xúc của du khách sẽ đến từ đại cảnh hoành tráng khi hàng nghìn con người cùng làm động tác đồng đều đẹp mắt. Nhờ vào sự giao cảm giữa con người với con người chứ không phải công nghệ."- Tổng đạo diễn Lê Hải Yến khẳng định.
Gần 3000 diễn viên chuyên và không chuyên sẽ tham gia biểu diễn, múa xòe Thái, nhiều "diễn viên" đặc biệt trâu, bò, ngựa... cũng góp mặt. Được "chọn mặt gửi vàng" cho vị trí tổng biên đạo múa của chương trình này là NSƯT Thanh Hằng với kinh nghiệm biên đạo show thực cảnh lớn nhất Việt Nam - "Ký ức Hội An".
Một bối cảnh hoành tráng trong vở đại vũ kịch. Ảnh: Newday Media
Quyết tâm để chính người Thái - một dân tộc có tiếng nói và chữ viết riêng - được kể câu chuyện văn hóa của họ, ekip đã lựa chọn 90% bài hát trong chương trình là bài hát tiếng Thái. Chỉ có hai ca sĩ được mời là Tùng Dương và Sèn Hoàng Mỹ Lam, còn lại là các nghệ nhân nổi tiếng người Thái như Cầm Vui, Lò Thị Ban sẽ hát bằng tiếng Thái.
"Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra âm nhạc world music (âm nhạc toàn cầu) để cả thế giới đều có thể nghe và thấy hay chứ không chỉ là người Thái hay người Kinh" - Đạo diễn âm nhạc Mạnh Tiến chia sẻ.
Trải nghiệm không thể bỏ qua
Đến với Tây Bắc vào mùa lúa chín vàng, được đắm mình trong điệu Xòe Thái mê hoặc với hàng ngàn người chắc chắn là một trải nghiệm không thể bỏ qua. Ở Mường Lò, "người người muốn xòe, nhà nhà muốn xòe", du khách từ phương xa tới đây lại càng phải một lần trải nghiệm vòng múa xòe sôi động và mê hoặc.
Nếu là một trong 8000 khán giả đến xem trực tiếp lễ hội Xòe Thái tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), bạn sẽ được xuống hòa mình vào điệu Đại Xòe tại sân vận động. Cùng với đó, tỉnh Yên Bái cũng làm nhiều tụ điểm xòe xung quanh Sân vận động Nghĩa Lộ để du khách tới tham gia và bố trí 6 màn hình LED trực tiếp chương trình ra bên ngoài.
Theo TÂM MI (Tổ Quốc)