Thời gian qua, ngành thể thao tỉnh An Giang phối hợp các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò, lợi ích, tác dụng của tập luyện môn võ cổ truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách và truyền thống văn hóa của dân tộc. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều có câu lạc bộ (CLB) võ cổ truyền, sinh hoạt thường xuyên và hiệu quả tại trường học, nhà văn hóa, UBND xã, thị trấn…
Bên cạnh chú trọng đổi mới, nâng cao phương pháp huấn luyện, giảng dạy chuyên môn, các CLB võ cổ truyền trong tỉnh tạo điều kiện cho VĐV tập huấn, thi đấu giao hữu ở nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.
Để đáp ứng nhu cầu tập luyện ngày càng cao về số lượng và chất lượng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hướng dẫn viên, huấn luyện viên CLB võ cổ truyền. Ngoài ra, phối hợp đơn vị, địa phương tổ chức giải trẻ, học sinh hay CLB cấp tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho các VĐV có cơ hội thi đấu tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, còn là cơ hội tốt để bộ môn tuyển chọn nhân tố triển vọng bổ sung vào đội năng khiếu.
Vừa qua, Giải trẻ võ cổ truyền tỉnh An Giang năm 2024, do Sở VH-TT&DL phối hợp UBND huyện Chợ Mới tổ chức thành công tốt đẹp. Giải thu hút gần 180 VĐV của 16 đơn vị tham dự. Các VĐV tham gia tranh tài 31 bộ huy chương ở 2 nội dung đối kháng (14 đối kháng ở các hạng cân nam và nữ) và 17 nội dung hội thi (7 nam, 7 nữ và 3 đối luyện).
Sở hữu lực lượng VĐV chuyên môn vượt trội, CLB huyện Chợ Mới xuất sắc giành hạng nhất toàn đoàn, với 13 huy chương vàng (HCV), 5 huy chương bạc (HCB), 7 huy chương đồng (HCĐ); CLB xã Cần Đăng (huyện Châu Thành) hạng nhì toàn đoàn, với 8 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ; CLB huyện Phú Tân hạng ba toàn đoàn, với 3 HCV, 5 HCB, 6 HCĐ.
“Giải trẻ võ cổ truyền các CLB tỉnh An Giang là chuỗi hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2024. So với những năm trước, chất lượng chuyên môn có sự tiến bộ rõ rệt, cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự phát triển của môn võ cổ truyền. Qua đó, góp phần duy trì, phát triển môn võ cổ truyền cũng như tạo điều kiện cho các VĐV thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm” - Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ Thể dục - Thể thao (Sở VH-TT&DL) Huỳnh Hồng Dân cho biết.
Những năm qua, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ, năng khiếu được bộ môn quan tâm. Bên cạnh việc phát hiện các em có tố chất tại các giải thi đấu cấp tỉnh, huyện, bộ môn còn tích cực tìm kiếm những nhân tố mới thông qua các kỳ thi thăng đẳng của các CLB võ thuật ở các địa phương. Đặc biệt, để xây dựng lực lượng kế thừa chất lượng, chiều sâu, ngoài việc có tố chất phù hợp, đáp ứng các tiêu chí về thể trạng, thể lực, các em phải vượt qua kỳ kiểm tra chuyên môn và phải thể hiện được ý chí và niềm đam mê với môn võ cổ truyền.
Với sự quan tâm công tác đào tạo VĐV trẻ, bộ môn võ cổ truyền tỉnh đạt những kết quả đáng ghi nhận, từng bước khẳng định vị thế tại các giải khu vực và toàn quốc. “Ngoài việc duy trì thế mạnh ở các hạng cân đối kháng nữ, bộ môn võ cổ truyền tỉnh đang tích cực đào tạo các VĐV đối kháng nam, đặc biệt là các nội dung quyền, nhằm hướng đến sự đa dạng các nội dung khi tham gia các giải toàn quốc, giúp bộ môn đạt nhiều thành tích cao” - Huấn luyện viên trưởng môn võ cổ truyền Phan Thanh Thuận chia sẻ.
Huấn luyện viên Phan Thanh Thuận cho biết: "Thời gian tới, bộ môn võ cổ truyền tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực của từng VĐV, chủ động điều chỉnh công tác huấn luyện phù hợp, giúp VĐV phát huy tối đa năng lực, sở trường, hướng đến thành tích cao tại các giải đấu sắp tới…".
|
LÊ HOÀNG