Vòng loại World Cup: Cơ hội nào cho Việt Nam và Trung Quốc?

11/09/2021 - 18:09

Australia và Saudi Arabia đang tạm dẫn đầu bảng B ở vòng loại World Cup khu vực châu Á, khi cùng sở hữu 6 điểm trọn vẹn sau 2 trận toàn thắng và chỉ số phụ tương đương.

Các cầu thủ Nhật Bản (áo xanh) trong trận đấu gặp đội tuyển Trung Quốc ở vòng loại World Cup khu vực châu Á. (Nguồn: the-afc.com)

Cuộc đua tới World Cup 2022 ở bảng B đã được hâm nóng trở lại sau loạt trận thứ 2. Sau những bất ngờ đầu tiên, có vẻ như trật tự về thứ hạng đã được thiết lập trở lại với sự lên tiếng về đẳng cấp của nhóm các ứng viên nặng ký nhất.

Sự khác biệt về đẳng cấp

Nhật Bản - ứng viên nặng ký nhất cho tấm vé đi thẳng tới Qatar vào mùa Hè năm tới đã chứng minh rằng thất bại trước đó trước Oman trên sân nhà giống như một tai nạn.

Đứng trước nguy cơ bị sa thải và mất nhiều hảo thủ trong đội hình nhưng huấn luyện viên Hajime Moriyasu vẫn tìm ra được cách thức rất hiệu quả để giúp Nhật Bản đánh bại Trung Quốc với tỷ số 1-0.

Nếu chỉ nhìn vào bàn thắng duy nhất được ghi, nhiều người vẫn hoài nghi về năng lực của Nhật Bản, song các thống kê chuyên môn đã chỉ ra rằng đội bóng “Xứ Mặt Trời mọc” hoàn toàn làm chủ trận đấu và kiểm soát hoàn toàn thế trận.

Các học trò huấn luyện viên Hajime Moriyasu kiểm soát bóng 71%, tung ra 18 cú dứt điểm với 3 lần trúng cầu môn và có tỷ lệ chuyền chính xác lên tới 83% trong tổng số 652 đường chuyền ở trận đấu với Trung Quốc.

Sự khác biệt về đẳng cấp cũng là yếu tố mang tính quyết định tới khả năng giành chiến thắng trong cuộc đối đầu giữa Oman với Saudi Arabia.

Lợi thế sân nhà, tinh thần hưng phấn và phong độ rất cao của đoàn quân huấn luyện viên Branko Ivankovic trong cuộc đón tiếp đại diện xuất sắc nhất của bóng đá vùng Vịnh. Tuy nhiên, tất cả những lý do này vẫn chưa đủ để giúp họ tạo nên cơn địa chấn thứ hai sau khi đánh bại Nhật Bản.

Saudi Arabia hạ gục đối thủ bằng sự uyển chuyển của các tình huống xuyên phá rất hiệu quả và một pha dứt điểm rất lạnh lùng, có độ chính xác cao.

Các học trò của huấn luyện viên Hever Renard cũng cho thấy bản lĩnh của một đội bóng từng nhiều lần dự World Cup qua việc thể hiện rất tốt năng lực trong bối cảnh chịu nhiều áp lực. Đây là sự khác biệt rất lớn so với Oman và chiến thắng cho Saudi Arabia là hoàn toàn xứng đáng.

Khó cho nhóm dưới

Sau lượt trận thứ 2, bảng B đã sớm phân nhóm và có khoảng cách đáng kể về điểm số giữa các đội bóng dẫn đầu với nhóm cuối. Australia và Saudi Arabia đang tạm dẫn đầu, khi cùng sở hữu 6 điểm trọn vẹn sau 2 trận toàn thắng và chỉ số phụ tương đương.

Nhật Bản cũng đã vươn lên nhờ 3 điểm có được trước Trung Quốc và có cùng điểm số với Oman. Sự trở lại của Nhật Bản báo hiệu những cuộc đuổi bắt và diễn biến rất khó lường ở nhóm đầu bảng xếp hạng trong các vòng đấu tới đây.

Trong khi đó, chỉ sau 1 thất bại, Oman cũng đã cảm nhận được những thử thách rất lớn mà họ sẽ đối diện trong hành trình tìm kiếm cơ hội dự World Cup 2022. Nếu không duy trì được hiệu quả cao trong lối chơi như ở trận đấu với Nhật Bản trong cả hành trình, cơ hội dành cho họ là không quá nhiều.

Với Việt Nam và Trung Quốc, khoảng cách tới vị trí thứ 3 trên bảng đấu tạm thời là 3 điểm nhưng sẽ được nới rộng đáng kể nếu như 2 đội bóng này không tìm kiếm được chiến thắng hay chí ít là điểm số đầu tiên ở lượt trận thứ 3.

Thậm chí, với cách biệt rất lớn về hiệu số so với nhóm 4 đội bóng xếp trên, cả Việt Nam và Trung Quốc gần như không có cơ hội vươn lên vị trí thứ 4 tại bảng B, ngay cả khi 2 đội bóng này giành được chiến thắng ở loạt trận thứ 3.

Chỉ sau 2 lượt trận đầu tiên và vẫn còn tới 8 lượt đấu nữa nhưng kết quả cũng đã chỉ ra, có quá ít cơ hội cho các đội bóng ở nhóm dưới trong cuộc đua tới 3 vị trí dẫn đầu ở bảng B./.

Theo PHÚC HƯNG (Vietnam+)