Vót đũa tre tại núi Cấm- Nghề truyền thống ở Bảy Núi

05/03/2023 - 12:23

 - Nghề vót đũa tre tại núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các thợ vót đũa tre thường là những người trong gia đình, có kinh nghiệm và tâm huyết với nghề…

Toàn bộ quy trình sản xuất đũa tre của các hộ dân ở núi Cấm hoàn toàn đều bằng thủ công, bắt đầu từ việc chọn lựa tre nguyên liệu, đến việc xẻ, bào và vót đũa... được thực hiện thật tỉ mỉ và khéo léo, để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Mỗi chiếc đũa phải được căn chỉnh sao cho đều tay, đầu nhỏ dần về cuối và không bị cong hoặc lồi lõm.

Các công đoạn chế biến đũa tre còn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Đầu tiên, cây tre được trồng trên đỉnh núi Cấm, có tuổi trưởng thành từ 4-5 tuổi mới được sử dụng để vót đũa. Mỗi cây tre giá khoảng 60.000-70.000 đồng, có thể vót  khoảng 500 đôi đũa. Sau khi cắt, tre được chẻ nhỏ và bán với giá khoảng 500.000 đồng một thiên (1.000 đôi). Để chống mối mọt, tre được ngâm với phèn chua ít nhất 1 năm, với tỷ lệ 1 thiên tre đã chẻ ngâm 10kg phèn.

Đũa tre ở núi Cấm có nhiều loại giá khác nhau, phụ thuộc vào màu sắc và chất lượng. Đũa đỏ được làm từ tre hứng nhiều ánh sáng mặt trời, nên cứng, có màu sậm, giá khoảng 3.000 đồng một đôi. Còn tre khuất nắng thì làm ra đũa màu trắng, mềm hơn, nên có giá từ 2.000-2.400 đồng. Giá bán cũng phụ thuộc vào kỹ năng và khéo léo của người vót đũa.

Bà Phạm Thị Ánh  gắn bó với nghề vót đũa trong suốt gần 21 năm qua ở núi Cấm cho biết, dù đã 72 tuổi và mắt không còn sáng, nhưng bà vẫn tiếp tục với nghề vót đũa. Với sự đam mê nghề, bà cố gắng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, số lượng đũa để bán hàng ngày. Nhờ nghề vót đũa, bà Ánh đã nuôi các con ăn học và đảm bảo cuộc sống về già với thu nhập ổn định.

Nghề vót đũa tre trên núi Cấm không chỉ giúp đảm bảo cuộc sống của các hộ dân, mà còn giúp tạo ra thu nhập khá cho những người trồng tre. Phần lớn các hộ làm nghề vót đũa khi nông nhàn, nhưng cũng có những gia đình như bà Ánh thì làm quanh năm.

Bài, ảnh: VIỆT ANH

 

Liên kết hữu ích