Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan. VKSND Tối cao phân công VKSND TP HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án.
Nhóm 5 bị can bỏ trốn, trong đó 2 người nước ngoài đã bị đình chỉ bị can. Ảnh: Bộ Công an
Đáng chú ý, trong số các bị can có 41 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước…
Bị can Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II Ngân hàng Nhà nước, bị truy tố với cáo buộc nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD. Bị can Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Công ty Văn Lang và Công ty Capella, bị truy tố tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Cơ quan tố tụng truy tố và đề nghị xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can bỏ trốn trong vụ án này nếu như họ không ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa.
Trong số 86 bị can bị truy tố này, có 5 bị can đang bỏ trốn gồm: Đinh Văn Thành (SN 1971, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB), Chiêm Minh Dũng (SN 1973, cựu phó tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trầm Thích Tồn (SN 1961, Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1974, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SCB), Nguyễn Lâm Anh Vũ (SN 1969, cựu phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB).
Để đảm bảo giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, VKSND Tối cao (Vụ 3) kêu gọi 5 bị can này đến Cơ quan công an hoặc VKSND nơi gần nhất đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 60 - Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Nếu các bị can này tiếp tục bỏ trốn, VKSND Tối cao coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật.
Theo NGUYỄN HƯỞNG (Người Lao Động)