Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai báo trước tòa. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Biên lai xác nhận việc nộp 7 tỷ đồng này đã được nộp cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 24/7.
Trước đó, khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, bị cáo Phạm Trung Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng, sau đó gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Quá trình diễn ra phiên tòa, gia đình bị cáo đã nộp thêm 8 tỷ đồng và nay là 7 tỷ đồng, nâng số tiền khắc phục hậu quả lên tổng số 42 tỷ đồng.
Bản luận tội của Viện Kiểm sát đã xác định bị cáo Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, với 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng bằng "thủ đoạn trắng trợn". Do đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Kiên mức án tử hình.
Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên trong thời điểm COVID-19 đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín cơ quan nhà nước.
Trong phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã khẳng định hơn 42,6 tỷ đồng mà Kiên đã nhận hối lộ là số tiền lớn. Không thể so sánh một cách cơ học với trên 30.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài, càng không thể so sánh với số tiền thu nhập của người dân ở nước ngoài để nói số tiền này chiếm tỷ lệ không lớn như lời biện hộ của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên. Theo đại diện Viện Kiểm sát, quan điểm bào chữa của luật sư thể hiện sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau khổ, sự mất mát to lớn của đồng bào ta cũng như những người dân nghèo trên toàn thế giới ở trong đại dịch COVID-19.
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên bày tỏ sự ăn năn hối hận về hành vi phạm tội và mong Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Hội đồng xét xử nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào chiều 28/7/2023.
Theo TTXVN