Vụ kết tội ông Trump kích hoạt 'nội chiến' trong đảng Cộng hòa?

06/06/2024 - 08:30

Chỉ vài phút sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị kết tội hình sự ở New York, một người thân cận ông mô tả đó là thời điểm thổi bùng 'cuộc nội chiến' bên trong đảng Cộng hòa.

Tính lịch sử của phán quyết kết tội ông Trump đang được chiến dịch vận động tái tranh cử của cựu tổng thống khai thác như một kiểu sát hạch để xem chính trị gia nào trong đảng Cộng hòa (GOP) sẽ lên tiếng bênh vực ông và ai trong số họ sẽ bảo vệ hệ thống pháp luật Mỹ.

Giới phân tích nhận định, rắc rối nằm ở chỗ các chính khách GOP khó có thể đứng ngoài cuộc hoặc ủng hộ cả hai.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times

Truyền thông Mỹ thống kê, cho đến nay, mới có Larry Hogan, một chính trị gia GOP ôn hòa đang tranh cử suất đại diện bang Maryland tại Thượng viện, đăng đàn mạng xã hội để kêu gọi tất cả người dân Mỹ “tôn trọng phán quyết và quy trình pháp lý”.

Theo báo New York Times, chỉ vài phút sau, Chris LaCivita, một quan chức hàng đầu trong đội ngũ tranh cử của ông Trump, đã phản hồi thông điệp của ông Hogan: “Ngài vừa kết thúc chiến dịch tranh cử của mình”. Lời nhắn gửi rõ ràng nhằm cảnh báo “nếu ông không đồng hành cùng chúng tôi, ông sẽ thất bại về mặt chính trị”.

Phóng viên Katty Kay của đài BBC đã hỏi một quan chức GOP từng làm việc cho chiến dịch vận động tranh cử năm 2020 của ông Trump về việc liệu vụ kết tội cựu lãnh đạo Nhà Trắng ở New York có tạo nên “cuộc nội chiến” trong đảng hay không. Người này đã đưa ra câu trả lời là “Không”, đồng thời giải thích, đối với ông, bất kỳ cuộc chiến nào từng tồn tại bên trong đảng GOP đều đã ngã ngũ từ lâu và người chiến thắng luôn là ông Trump.

“Ngay cả khi bạn không thích ông Trump, ông ấy vẫn tốt hơn những gì chúng tôi đang có. Đó là một lựa chọn dễ dàng”, quan chức GOP bộc bạch. Cho đến nay, dường như đại đa số chính khách GOP đều nhất trí với quan điểm này, ít nhất về mặt công khai.

Trong quá trình xét xử ông Trump tại Tòa án tối cao Manhattan, New York, về các cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu mối quan hệ với ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước thềm bầu cử năm 2016, nhiều chính khách GOP, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, đã tới dự phiên tòa để bày tỏ sự ủng hộ dành cho cựu tổng thống.

Ông Johnson gọi ngày 30/5 (ngày bồi thẩm đoàn New York công bố phán quyết) là “một ngày đáng xấu hổ trong lịch sử Mỹ” và việc kết tội ông Trump là “động thái thuần túy chính trị, không phải pháp lý”. Steve Scalise, nghị sĩ quyền lực thứ 2 của GOP tại Hạ viện cũng như Jim Jordan, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện cũng có phát biểu tương tự.

Ngay cả các “cựu thù” của ông Trump như Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, người từng chạy đua làm ứng viên tổng thống đại diện GOP năm nay và thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, cựu đối thủ của ông Trump trong cuộc đua giành quyền đại diện GOP “đấu chung kết” vào Nhà Trắng năm 2016, cũng lên tiếng bênh vực cựu tổng thống. Trong đó, ông Rubio có những phát biểu mạnh mẽ nhất, chĩa búa rìu công kích vào cả hệ thống tư pháp của xứ sở cờ hoa.

Giới quan sát nhận định, các nỗ lực trên phản ánh tính đảng phái rõ nét và chiến lược chính trị thống nhất của GOP nhằm tạo ra hàng rào bảo vệ ông Trump, ứng viên tổng thống đại diện đảng năm nay. Những phát biểu bênh vực đều phù hợp hoặc lặp lại lập luận lâu nay của cựu lãnh đạo Nhà Trắng rằng, nhiều rắc rối pháp lý của ông không liên quan đến sai phạm cá nhân.

Ông Trump cáo buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ đang dàn dựng các âm mưu gian lận chính trị cũng như “vũ khí hóa” các cơ quan chính phủ, quy trình bầu cử, hệ thống tư pháp, các phương tiện truyền thông và cơ quan tình báo để hạ bệ ông, một người “chiến đấu vì chính nghĩa”. Đó là lí do tại sao trong các cuộc mít tinh vận động tranh cử của mình, ông Trump liên tục tự nhận là “nạn nhân của những nỗ lực săn tìm phù thủy không công bằng, đáng hổ thẹn”, đồng thời khuyến khích đám đông ủng hộ ông “giải cứu đất nước”.

Với ông Trump, sự trung thành chỉ có một chiều và chính khách GOP nào chỉ trích ông tất nhiên sẽ mất đi sự hậu thuẫn của cựu tổng thống, đồng thời đối mặt nguy cơ bị lượng lớn cử tri trung thành với ông xa lánh.

Dư luận vẫn chưa quên việc Mitch McConnell, lãnh đạo GOP tại Thượng viện lâu nhất trong lịch sử Mỹ và Chủ tịch Ủy ban quốc gia GOP Ronna McDaniel đồng loạt tuyên bố từ chức hồi tháng 2 vừa qua, trong bối cảnh họ ngày càng bất hòa với ông Trump và hứng chịu nhiều áp lực từ sự bành trướng ảnh hưởng của ông trong đảng.

Hiện tại, các quan chức GOP rõ ràng muốn tránh kết cục như ông McConnell và bà McDaniel, đặc biệt khi mức độ tín nhiệm dành cho ông Trump có vẻ ít bị ảnh hưởng sau vụ kết tội ở New York.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố cuối tuần trước, tới 90% cử tri GOP đã đăng ký đi bầu nói họ vẫn ủng hộ ông Trump. Một cuộc khảo sát do NPR/PBS NewsHour/Marist tiến hành từ ngày 21-23/5 cũng ghi nhận, 68% số người được hỏi nói việc kết tội cựu tổng thống không ảnh hưởng đến lá phiếu của họ. Chỉ có 10% tiết lộ ít khả năng bỏ phiếu cho ông Trump hơn trong tình huống như vậy.

Do đó, theo nhiều nhà phân tích, đa phần các chính khách GOP sẽ chọn đứng về phía ông Trump nếu không muốn mạo hiểm tương lai chính trị của mình.

Theo Vietnamnet