Vực dậy tiềm năng du lịch

29/03/2020 - 23:38

 - So các vùng du lịch (DL) trọng điểm của tỉnh, Tri Tôn có những lợi thế rất riêng như: có 4 trong 7 ngọn núi dãy Thất Sơn hùng vĩ; những hồ nước rộng dưới chân núi; những địa chỉ văn hóa, lịch sử, cách mạng nổi tiếng. Tri Tôn còn có thế mạnh khai thác DL theo hướng hòa mình với thiên nhiên, xây dựng không gian sống xanh, phát triển DL nghỉ dưỡng.

Nâng tầm đua bò Bảy Núi

Khi hồ Soài Chek dưới chân Phụng Hoàng sơn được xây dựng xong, khu vực vùng trong của xã Núi Tô (Tri Tôn, An Giang) như bừng sáng. Nhờ nguồn nước dự trữ trong hồ và hệ thống thủy lợi sau hồ, nông dân Khmer canh tác ruộng trên trong khu vực có thể sản xuất quanh năm, không phụ thuộc vào nguồn nước mưa thất thường như trước.

“Hồi trước mỗi năm làm có 1 vụ, mưa thì có ăn, khô hạn thì mất trắng. Bây giờ canh tác ổn định 3 vụ/năm, thu nhập tăng lên, bà con vui lắm” - ông Chau Sóc (nông dân xã Núi Tô) phấn khởi.

Tổ chức Hội đua bò ở sân đua bò mới của huyện Tri Tôn

Không chỉ có nguồn nước phục vụ sản xuất, phòng cháy, chữa cháy rừng, chống biến đổi khí hậu, khu vực hồ Soài Chek còn hứa hẹn trở thành trung tâm DL mới của Tri Tôn khi các tuyến đường kết nối vào thông suốt.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn (An Giang) Cao Quang Liêm cho biết, tại khu vực hồ Soài Chek đã hình thành được ngã ba đường kết nối ra trung tâm xã Núi Tô, trung tâm huyện Tri Tôn và khu DL đồi Tức Dụp (xã An Tức). Trong khi đó, tuyến đường huyện dài 17km vòng qua đồi Tức Dụp đã được nâng cấp thành Tỉnh lộ, được đầu tư mở rộng để kết nối tuyến đường DL từ trung tâm huyện Tri Tôn qua đồi Tức Dụp, thông qua các điểm DL núi Ba Thê, lòng hồ Ông Thoại - núi Sập của huyện Thoại Sơn.

Cặp hồ Soài Chek, UBND huyện Tri Tôn đang đầu tư sân đua bò mới rộng 5,5ha với kinh phí gần 48,5 tỷ đồng, sử dụng ngân sách và vận động xã hội hóa. Tháng 10-2019, sân đua bò mới đã được đưa vào phục vụ Hội đua bò truyền thống Bảy Núi tranh Cúp truyền hình An Giang lần thứ 26 do huyện Tri Tôn đăng cai tổ chức.

Với lợi thế rộng rãi, thuận tiện giao thông, lượng khách đến xem đua bò năm ngoái đạt gần 30.000 người, gấp hơn 2 lần so những lần tổ chức trước đó. Dù số lượng đông nhưng không xuất hiện tình trạng chen lấn, mất an ninh trật tự như những lần trước. Những nét mới này là cơ sở để nâng chất Hội đua bò Bảy Núi xứng tầm lễ hội cấp quốc gia, tạo thêm điểm nhấn DL hấp dẫn.

Xây dựng trung tâm Soài Chek

Theo ông Cao Quang Liêm, huyện Tri Tôn đang tiếp tục hoàn thiện sân đua bò theo hướng chuyên nghiệp để giữ gìn, phát huy môn thể thao truyền thống, độc nhất của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Bảy Núi, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người dân, du khách.

“Tuy nhiên, Hội đua bò huyện mỗi năm chỉ tổ chức 1 lần. Để khai thác hiệu quả sân đua bò, huyện sẽ nghiên cứu, đề xuất tổ chức đua xe môtô, ôtô vượt địa hình cùng các môn thể thao khác để thu hút nhiều người đến đây” - ông Liêm thông tin.

Nhà văn hóa Khmer trong khuôn viên hồ Soài Chek

“Huyện đã đề xuất tỉnh và phối hợp lập quy hoạch xây dựng khu vực hồ Soài Chek thành khu DL kết hợp thể thao địa hình. Sắp tới, Tập đoàn Sao Mai sẽ đầu tư khu DL khoảng 50ha tại đây, huyện sẽ quy hoạch quỹ đất còn lại làm khu biệt thự vườn, khu nghỉ dưỡng gần gũi với thiên nhiên…

Tại khu vực Soài Chek, khi các lễ hội văn hóa Khmer, các hoạt động thể thao được tổ chức thường xuyên, tận dụng lợi thế thiên nhiên để khai thác DL, nơi đây được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn thu hút du khách” - ông Liêm thông tin.

Lợi thế của Soài Chek là nằm trên tuyến kết nối từ trung tâm huyện Tri Tôn qua đồi Tà Pạ (có chùa cổ Khmer và hồ Tà Pạ nổi tiếng), thông ra đồi Tức Dụp. “Dù mới xây dựng được vài công trình nhỏ nhưng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, có hàng ngàn người đã đến Tà Pạ, Soài Chek vui chơi, tham quan, chụp ảnh. Khi được đầu tư thêm, chắc chắn sẽ thu hút đông đảo du khách” - ông Liêm nhấn mạnh.

Công viên hồ Soài Chek

Hỗ trợ kết nối

Trong số các hồ dưới chân núi thì hồ Soài So nổi tiếng lâu nay. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, huyện đang tập trung đầu tư vào Khu DL Hồ Soài So với tổng vốn hơn 25,6 tỷ đồng. Dự kiến sẽ bồi hoàn, giải phóng mặt bằng 65.000m2, mở rộng, nâng cấp 1.492m nối Tỉnh lộ 943 vào khu DL, xây dựng hạ tầng DL, làng dân tộc Khmer…

Đối với Khu DL Đồi Tức Dụp (di tích lịch sử kháng chiến), Công ty Cổ phần DL An Giang đang tập trung đầu tư với tổng vốn khoảng 200 tỷ đồng. Một căn cứ Tỉnh ủy thời kháng chiến chống Mỹ khác là Ô Tà Sóc (xã Lương Phi) cũng đã được đầu tư, nâng cấp.

Tại thị trấn Ba Chúc, nơi gắn với chứng tích tội ác của quân diệt chủng Pol Pot thời chiến tranh biên giới Tây Nam, cùng với nhà mồ Ba Chúc được đầu tư, nâng cấp thì chùa Tam Bửu, Phi Lai - Tổ đình của đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng được trùng tu. Tại xã Ô Lâm, khuôn viên mộ nữ liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Néang Nghés cũng đã được mở rộng, nâng cấp thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng…

Ông Cao Quang Liêm cho biết, được sự hỗ trợ của Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, một đoạn Tỉnh lộ 943 đã được đổ bê-tông dày, đảm bảo xe tải trọng lớn lưu thông. “Tuyến Tỉnh lộ 948 (nối Tịnh Biên - Tri Tôn) đang được mở rộng, nâng cấp đến núi Cấm (Tịnh Biên), tỉnh đã thống nhất sẽ mở rộng tiếp đoạn 5,8km đến chợ cá Tri Tôn, giao UBND huyện Tịnh Biên làm chủ đầu tư.

Trên tuyến Tỉnh lộ 958 nối vô xã Lương An Trà, các công trình cầu chữ U, Lò Gạch đã được đầu tư, huyện kiến nghị tỉnh đầu tư kết cấu bê-tông dày trên tuyến đường này, đảm bảo cho xe container, xe tải nặng đến 20 tấn lưu thông, phục vụ cho các nhà đầu tư lớn, đồng thời kết nối DL với Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc (Kiên Giang)” - ông Liêm đề xuất.

Trong 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn hùng vĩ, có 4 ngọn núi nằm trên địa bàn huyện Tri Tôn là: núi Tô (Phụng Hoàng sơn), núi Nước (Thủy Đài sơn), núi Dài (Ngọa Long sơn) và núi Tượng (Liên Hoa sơn).

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích