Cơm cháy nếp chà bông thành phẩm sau nhiều công đoạn
Trước khi có nghề làm cơm cháy chà bông ổn định như hiện nay, vợ chồng chị Kim Hai từng rời quê 15 năm làm nghề bán đá bào siro khá vất vả. Suốt thời gian dài rời quê mưu sinh, vợ chồng chị Hai luôn mong muốn có được một công việc ổn định có thể làm lâu dài ngay gần nhà để tiện chăm sóc gia đình. May mắn, vợ chồng chị học được nghề làm cơm cháy chà bông và quyết tâm gầy dựng cơ sở sản xuất của riêng mình. Kể về cơ duyên đến với nghề làm cơm cháy nếp chà bông, chị Kim Hai trải lòng: “Sau thời gian dài làm nghề bán đá bào siro ở tỉnh Vĩnh Long, vợ chồng tôi có ý định về lại nhà, tìm nghề khác để sinh sống, vì cha mẹ hai bên đều lớn tuổi cần có người ở gần chăm sóc. Khi đó chúng tôi còn đang lo lắng không biết nên làm nghề gì thì may mắn học được cách làm cơm cháy nếp chà bông. Mang theo công thức học được về quê nhà, vợ chồng tôi bắt tay vào khởi nghiệp”.
Xác định khởi nghiệp từ nghề làm cơm cháy chà bông theo hướng thủ công và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm không phải việc dễ dàng, bởi trên thị trường, sản phẩm cơm cháy chà bông sản xuất theo hướng công nghiệp khá phổ biến, có sự cạnh tranh cao, nhất là chênh lệch về giá. Từ công thức làm cơm cháy chà bông học được, vợ chồng chị Kim Hai vừa tập tành chế biến, vừa rút kinh nghiệm, cải tiến chất lượng sản phẩm sao cho cơm cháy làm ra ưng ý nhất. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, vợ chồng chị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn nhập nguyên liệu, đầu tư dụng cụ sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm, do chưa được nhiều người biết đến nên hành trình đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng khá gian nan.
Gặp nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu, vợ chồng chị Kim Hai không nản lòng, vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ khởi nghiệp với món ăn bình dân. Là cơ sở sản xuất mới, để có được sự tin dùng của khách hàng, vợ chồng chị Kim Hai tập trung nâng chất lượng sản phẩm, xác định đối tượng khách hàng và nỗ lực tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Chị Kim Hai cho biết: “Quy trình làm ra cơm cháy nếp chà bông thành phẩm khá kỳ công. Bắt đầu từ khâu xôi nếp cho chín, rồi ép thủ công xôi đã chín thành những miếng nếp tròn đều đường kính khoảng 10cm, tiếp theo cho nếp vào lò sấy khoảng 3 giờ đồng hồ, đến khi nếp ráo thì mang đi chiên vàng đều, phủ thêm nước sốt và chà bông lên”.
Công đoạn ép thủ công xôi nếp thành những miếng bánh tròn mất nhiều thời gian, thường được tiến hành vào lúc trời gần sáng để kịp sấy khô, đến trưa mang ra chiên thành phẩm. Để làm ra những chiếc bánh cơm cháy chà bông vàng giòn tự nhiên, chị Kim Hai sử dụng loại nếp ngon để cơm cháy làm ra có mùi thơm đặc trưng của cơm cháy truyền thống. Đồng thời, chú trọng khâu sấy sản phẩm sao cho miếng cơm cháy khô hoàn toàn để khi chiên có độ giòn đều. Quy trình sản xuất cơm cháy nếp chà bông qua nhiều công đoạn, nên những thành viên trong gia đình chị Kim Hai không đủ cáng đáng. Vì vậy, chị mời thêm các chị, em phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương đến hỗ trợ các khâu sản xuất, cũng như tạo việc làm để các chị có thêm thu nhập.
Vào thời điểm có nhiều đơn hàng, cơ sở cơm cháy nếp chà bông của gia đình chị Kim Hai thuê khoảng 6 nhân công hỗ trợ các khâu sản xuất, với mức thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng, mỗi ngày cung cấp theo đơn hàng khoảng hơn 1.000 chiếc bánh cơm cháy nếp chà bông cho khách hàng ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, kể cả Campuchia. Thời gian gần đây, giá cả các mặt hàng nguyên liệu làm cơm cháy chà bông tăng lên, hoạt động sản xuất của cơ sở có phần chậm lại.
Chị Kim Hai cho biết: “Giai đoạn đầu do chưa được nhiều người biết đến sản phẩm nên việc tiêu thụ còn khó khăn. Đến nay, công việc sản xuất, kinh doanh của gia đình đã ổn định. Thời điểm hút hàng trung bình mỗi ngày tôi cung cấp theo đơn hàng khoảng trên 1.000 chiếc bánh, phải cần đến khoảng 100kg nếp nguyên liệu. Thời gian gần đây, giá các loại nguyên liệu tăng, số lượng sản phẩm theo đơn đặt hàng cũng giảm so với trước. Hiện, mỗi ngày chúng tôi sản xuất khoảng 700 chiếc bánh cơm cháy nếp chà bông, cung cấp cho khách hàng quen ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh”.
MỸ LINH