Muốn lên vườn nho phải di chuyển bằng “Honda ôm” theo đường núi gần 10 phút. Tài xế cũng là những chủ vườn cây ăn trái tại đây, nên rất niềm nở và tính giá cả bình dân.
Càng lên cao, gió càng mát, xua tan bao mệt mỏi nóng bức. Cả vườn nho hiện ra lủng lẳng trái, ai cũng thích thú đến mê mệt. Chủ vườn là anh Đào Văn Phương, lập vườn nho cách đây 3 năm, với đủ loại, như: Nho kẹo, nho mẫu đơn, nho móng tay, nho hồng ngọc… Riêng nho hạ đen là vụ đầu tiên cho trái.
Thông tin nho vào mùa được đăng trên mạng xã hội hơn 1 tuần nay. Nhờ những hành khách đầu tiên lên núi thăm vườn chia sẻ, vườn nho đón khách thêm đông đúc.
Sau khi check-in vườn thỏa thích, mỗi hành khách hồ hởi xách vài ký nho đem về. Họ có thể tự chọn những chùm nho theo ý muốn, thậm chí có thể ăn thử trái trên từng chùm trước khi chọn cắt hoặc giao hết niềm tin cho chủ vườn lựa những chùm nho chất lượng. Cách vườn không xa còn có quán giải khát, phục vụ các món ăn dân dã hấp dẫn để “nối dài” chuyến đi cho khách tham quan.
Một số người không quản đường xa, tìm đến tận nơi đặt mua số lượng nhiều để đem về đồng bằng bán lại. Sở dĩ nho tại vườn “hot” như vậy, vì ngoài vị ngon lạ, cư dân trên núi canh tác rất hạn chế phân thuốc, đảm bảo sạch và an toàn.
Ở ngọn núi này chỉ có một vườn nho duy nhất. Cây trồng trên cao, khó chăm sóc gấp nhiều lần vì điều kiện thiếu nước tưới, thổ nhưỡng… Tốn nhiều công thuần dưỡng đến khi cây nho thích nghi, người dân chủ yếu nhân giống mở rộng vườn, chưa đủ số lượng bán cây con.
Những miếng bạt nhỏ che từng chùm nho, nhằm “giấu” tầm nhìn của chim ăn trái. Phía dưới, mỗi chùm nho còn được bao lưới cẩn thận để tránh sóc, nhen cắn phá.
Nho chín chuyển màu càng đen sẽ vị càng có ngọt đậm và mùi thơm hấp dẫn, ăn giòn, đặc biệt không có hạt. Hết mùa nho, vườn lại đón khách đến tham quan mùa bơ, sầu riêng. Bằng cách vừa làm vườn, vừa phục vụ du lịch cho khách đến trải nghiệm, cư dân núi Dài tăng thêm thu nhập khi canh tác dựa vào rừng.
MỸ HẠNH