Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Yellen nêu rõ công cuộc cải cách đang diễn ra tại WB có thể mang lại kết quả thiết thực này. Bà bày tỏ hy vọng sẽ có những nét mới trong nhiệm vụ cốt lõi của thể chế tài chính đa phương này nhằm hỗ trợ các nước xây dựng năng lực ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, đại dịch, xung đột...Quan chức tài chính Mỹ nhấn mạnh những thách thức này không tách biệt hay mâu thuẫn với nhau mà trái lại, chúng có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Bộ trưởng Yellen nêu rõ kết quả của việc WB cải tổ sẽ thể hiện bằng thông báo về việc ngân hàng này đang củng cố khả năng tài chính của mình để đáp ứng các mục tiêu nói trên, thông qua các thay đổi hoặc thúc đẩy các thay đổi có thể dẫn đến khả năng cho vay thêm 50 tỷ USD trong thập kỷ tới. Đây sẽ là một nguồn lực đáng kể, đánh dấu mức tăng 20% trong mức cho vay bền vững của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD). Thể chế này là nhánh của WB chuyên cung cấp các khoản vay cho các nước có thu nhập trung bình.
Ngoài ra, Bộ trưởng Yellen cũng cho biết sẽ có một thông báo về việc cập nhật mô hình hoạt động của WB để "hướng ngân hàng tới những mục tiêu mà chúng ta đang đặt ra." Các nội dung được đề cập sẽ bao gồm việc tạo ra nhiều ưu đãi hơn cho việc huy động nguồn vốn trong nước và vốn tư nhân. Bà khẳng định WB chủ trương xúc tiến các cải cách trong năm nay.
Tháng 3 vừa qua, WB đã trình một kế hoạch cải tổ sâu rộng để đưa ra thảo luận tại ủy ban phát triển vào ngày 12/4 tới trong khuôn khổ kỳ họp thường niên mùa Xuân với IMF. Theo kế hoạch, các quan chức ngân hàng trung ương, bộ trưởng tài chính, chuyên gia từ hơn 180 quốc gia thành viên sẽ tham dự kỳ họp này thủ đô Washington D.C của Mỹ. Một trong những chủ đề chính của kỳ họp sẽ là sự phát triển của WB trong bối cảnh nhiều lời kêu gọi các thể chế cho vay đa quốc gia cải tổ và đáp ứng những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Mỹ hiện là cổ đông lớn nhất của Nhóm WB.
Chương trình nghị sự cũng có nội dung hỗ trợ Ukraine bị chiến tranh tàn phá và tái cơ cấu nợ cho một số nước gặp khó khăn như Sri Lanka.
Theo TTXVN