WB nâng mức dự báo tăng trưởng của Mỹ Latinh

09/06/2021 - 09:14

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 8-6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo phân tích về triển vọng kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2021 với dự báo về khả năng khu vực này đạt mức tăng trưởng 5,2%.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN

Con số này cao hơn so với mức dự báo 3,2% được đưa ra hồi đầu năm, cho dù điều này còn phải phụ thuộc vào những tiến bộ trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và khả năng tăng giá của nguyên liệu thô trên thị trường thế giới.

Đánh giá của WB cho rằng khu vực Mỹ Latinh vẫn tiếp tục phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 và các biện pháp hạn chế lưu thông được siết chặt trong nửa đầu năm 2021 tại một loạt nước như Argentina, Barbados, Brazil, Colombia, Ecuador, Paraguay, Perú và Uruguay đã gây ảnh hưởng lớn tới các hoạt động kinh tế. Tổ chức này cũng dự báo Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực sẽ sụt giảm 2,8% trong năm 2022.

Mặc dù vậy, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực vẫn có thể ghi nhận những bước tăng trưởng đáng khích lệ trong năm 2021. Theo đó, Brazil sẽ có thể đạt mức tăng trưởng 4,5% nhờ vào những khoản thanh toán trực tiếp, trong khi Mexico được đánh giá có thể tăng trưởng tới 5% do sự gia tăng của nhu cầu tại thị trường Mỹ trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Một số nền kinh tế quan trọng khác trong khu vực cũng được dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao so với năm 2020 như Argentina (6,4%), Colombia (5,9%), Chile (6,1%) và Peru (10,3%). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực Trung Mỹ cũng có thể đạt mức 4,8% nhờ vào sự quay trở lại của dòng kiều hối và sự gia tăng về giá của các sản phẩm cơ bản

Tại khu vực Caribe, nơi chịu tác động ít hơn từ đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng có thể sẽ đạt mức 4,7% cho dù triển vọng của phần lớn các nền kinh tế phụ thuộc sự hồi phục của ngành du lịch.
 Mặc dù vậy, theo đánh giá của WB thì tình hình việc làm ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe vẫn chưa thể trở lại mức độ như trước khi bùng phát đại dịch, nguồn thu của số đông người dân bị suy giảm, khiến cho tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực ở nhiều nước trở nên trầm trọng hơn.

Theo HOÀI NAM (Báo Tin Tức)