Luka Modric (trái) của Croatia dứt điểm trước Morita Hidemasa của Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN
Trận đấu tiến rất gần đến chấm luân lưu, và cuối cùng thì HLV Zlatko Dalic đã quyết định không đặt thêm trách nhiệm lên đôi chân đã quá mỏi mệt của anh. Đó là một ngày mà tuyến tiền vệ của Croatia, như thường lệ, không những là trái tim, mà còn là bộ óc và cơ bắp của cả đội. Kết thúc trận, Marcelo Brozovic đã hoàn tất một kỷ lục: Anh chạy gần 17km, thực hiện 125 đường chuyền thành công, càn quét và kết nối các tuyến. Luka Modric, trận này được phép chơi cao hơn, đã liên tục chọc thủng tuyến phòng ngự giăng ngang của đối phương (23 lần, nhiều nhất trận) bằng các đường chuyền và pha đột phá. Tiền vệ của Real Madrid cũng bị từ chối một bàn thắng tuyệt đẹp: Cú vuốt bóng của anh vẽ một đường cong mượt mà vào góc xa, nhưng thủ môn của Nhật Bản đã chơi rất xuất sắc.
Trên ghế dự bị trong hiệp phụ, mắt Modric rơm rớm. Anh không thể can thiệp gì vào trận đấu nữa, và mọi chuyện giờ phụ thuộc vào những người còn ở trên sân. Nhưng tất cả những ai theo dõi Modric thi đấu ở giải lần này có lẽ cũng đều đồng ý một điểm: Anh không sa sút không phanh như những cầu thủ đồng niên khác, như Cristiano Ronaldo chẳng hạn. Modric vẫn thi đấu như một vũ công, uyển chuyển, thong dong và nhẹ nhàng. Anh là máy đếm nhịp, và điểm tựa tâm lý của cả đội.
Modric cũng không cần "đặc quyền" nào, điều thường thấy ở các ngôi sao. Anh không cần ai phải càn quét hộ mình. Ngược lại là đằng khác. Modric, sau một pha bóng bất thành, miệt mài chạy theo tiền vệ đối phương để thu hồi bóng. Anh mạo hiểm với các pha xoạc bóng 50-50, và không ngại ngần tranh chấp. Đấy không giống như một cầu thủ kỳ cựu đã từng giành Quả bóng Vàng, 5 chức vô địch Champions League và cho đến giờ vẫn là một tiền vệ rất quan trọng trong đội hình Real Madrid.
Sự tiến hóa của chiến thuật bóng đá diễn ra với tốc độ ngày càng tăng: Nếu như trước đây, một tiền vệ trụ chỉ cần kỹ năng phòng ngự và thực hiện các đường chuyền ngắn và trung bình ở mức cơ bản, thì bây giờ, họ thường sẽ phải là người quyết định nhịp độ, cũng như phong cách chơi của cả đội. Pirlo trước đây và Sergio Busquets, hay Modric, là những người như vậy: Một cái gạt bóng lên hay về, dừng lại một nhịp, hay chuyển hướng đột ngột, chính là chiếc đũa nhạc trưởng. Một khi tín hiệu phát ra, khối đội hình sẽ thay đổi, hoặc siết lại để chờ một cơn bão, hoặc ào ạt tạo ra một đợt sóng.
Nhưng Modric còn tiến xa hơn thế: Một khi các tiền vệ công và tiền đạo của Croatia bế tắc, chính cầu thủ của Real Madrid sẽ dâng lên, cố gắng tạo ra những đợt tấn công theo chiều sâu. Modric toàn năng hơn bất kỳ ai: Anh có thể đột phá, tung ra những quả chọc khe sắc lẹm, thậm chí trực tiếp uy hiếp đối thủ bằng một cú vuốt bóng sở trường. Modric là tấm khiên, thanh gươm và cả ngọn giáo. Ở vị trí của một tiền vệ kiến tạo lùi sâu, anh đã ghi đến 23 bàn sau 159 lần khoác áo đội tuyển quốc gia.
Điều quan trọng nhất chính là việc anh làm tất cả mọi việc như một điều đương nhiên: Modric không bao giờ lười biếng, phàn nàn, cố nâng cái tôi của mình cao hơn người khác, dù trong trận đấu, đôi mắt anh dường như bay cao hơn tất thảy. Khi bị rút ra khỏi sân, anh không hục hặc với ai, và sẵn sàng chờ đợi số phận quyết định xem mình còn có được đi tiếp hay không.
Phong cách và thái độ này, bản thân nó, đã là một di sản không thể chối cãi: Bạn sẽ rất khó tìm thấy một tiền vệ toàn năng đến vậy, người vừa có thể tạo nền tảng cho cả đội, vừa là một ngôi sao thực thụ (Modric chính là người đã cắt đứt chuỗi liên tục giành bóng vàng từ 2008 – 2021 của bộ đôi Messi – Ronaldo), nhưng vẫn chơi bóng với một thái độ thầm lặng và thuần khiết. Modric là người giỏi nhất, chăm chỉ nhất, và cũng khiêm nhường nhất. Anh dường như có thể chơi trong mọi tập thể, hòa đồng với bất kỳ ai, chịu đựng bất kỳ gánh nặng nào, và tỏa sáng trong những phút giây ngặt nghèo nhất. Ngày Croatia dừng bước ở World Cup lần này có thể là lần cuối cùng ta được chứng kiến Modric chơi ở một Vòng chung kết Cúp thế giới. Đấy hẳn là một khoảnh khắc buồn, của bất kỳ ai yêu bóng đá.
Theo TTXVN