Xây dựng mô hình phát triển du lịch TX. Tân Châu

05/09/2022 - 07:22

 - TS Phạm Thị Thúy Nguyệt (Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) vừa nghiên cứu thành công đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Xây dựng mô hình phát triển du lịch (DL) TX. Tân Châu giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”, thực hiện từ ngân sách khoa học công nghệ tỉnh An Giang.

Đề tài nhằm đánh giá tiềm năng, thực trạng DL và đưa ra giải pháp phát triển DL ở TX. Tân Châu (giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030), phát huy hiệu quả tiềm năng DL của địa phương, hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội và bảo tồn giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên cho địa phương.

Qua quá trình nghiên cứu, TS Phạm Thị Thúy Nguyệt nhận định: “TX. Tân Châu giàu tiềm năng phát triển DL, cả tự nhiên và văn hóa; có tài nguyên văn hóa đa dạng, đặc biệt là văn hóa Chăm. Nhưng việc khai thác DL yếu tố văn hóa Chăm hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, TX. Tân Châu còn có hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa đa dạng, sinh động, phù hợp phát triển loại hình DL sinh thái, đặc biệt là DL đường sông và DL nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay còn phát triển manh mún, chưa có điểm nhấn, chưa khai thác tốt tiềm năng. Về DL làng nghề, TX. Tân Châu sở hữu nhiều làng nghề thủ công truyền thống, một số làng nghề phục vụ phát triển DL tương đối sôi nổi, như: Dệt chiếu, dệt lụa, dệt thổ cẩm... Tuy nhiên, mới chủ yếu theo hướng kinh doanh bán sản phẩm, chưa khai thác dịch vụ và tạo ra nhiều giá trị gia tăng từ hoạt động trải nghiệm của du khách; sự sẵn sàng tham gia làm DL của cộng đồng địa phương còn hạn chế".

Sản phẩm làng nghề - tiềm năng khai thác du lịch của TX. Tân Châu

Đề tài đã thực hiện các hoạt động mang tính ứng dụng thực tiễn, như: Triển khai tập huấn về kiến thức, kỹ năng làm DL cho cán bộ quản lý và người dân địa phương; nâng cấp cơ sở hạ tầng, tư vấn phát triển dịch vụ, sản phẩm tại 4 điểm DL địa phương; xây dựng mô hình phòng trưng bày thông tin DL địa phương; thiết kế cẩm nang DL Tân Châu; xây dựng và tiến hành tour thử nghiệm. Đồng thời, đề xuất tour kết nối TX. Tân Châu với điểm đến DL địa phương lân cận.

Trên cơ sở phát hiện và hoạt động đã thực hiện, đề tài đề xuất giải pháp mang tính phối hợp vai trò của các bên liên quan (chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng). Đặc biệt, 5 nhóm giải pháp (về quy hoạch đầu tư; phát triển sản phẩm; phát triển thị trường; quảng bá - marketing; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao khả năng tham gia của cộng đồng) mà nhóm nghiên cứu đưa ra đều cần nhận được sự quan tâm và triển khai đồng bộ, hướng đến khai thác hiệu quả các giá trị tự nhiên, văn hóa bản địa để phát triển DL bền vững tại TX. Tân Châu.

Chủ nhiệm đề tài đề xuất 3 nhóm giải pháp định hướng phát triển DL Tân Châu, đó là: Khai thác yếu tố văn hóa Chăm trong phát triển DL (tiếp cận thị trường du khách, đầu tư và phát triển sản phẩm DL), phát triển DL sinh thái và DL làng nghề của TX. Tân Châu.

Cụ thể là mô hình "3 chiến lược - 3 vai trò" trong phát triển DL Tân Châu, thể hiện sự phối hợp giữa 3 vai trò (chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng) trong phát triển DL Tân Châu theo 3 hướng chiến lược về quy hoạch - đầu tư, về kết nối - liên kết thị trường và điểm đến, về quảng bá - marketing DL Tân Châu.

Về mô hình giải pháp phát triển sản phẩm, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng mô hình tích hợp 4 tầng giá trị sản phẩm DL, gồm: Tầng sản phẩm lõi, tầng sản phẩm tiện ích, tầng sản phẩm bổ trợ và tầng sản phẩm tăng cường. Dựa trên phân tích thực tế và trên cơ sở nghiên cứu đề xuất mô hình tích hợp giải pháp phát triển DL Tân Châu: DL sinh thái - DL văn hóa - DL làng nghề.

Trong mô hình tích hợp giải pháp quy hoạch - đầu tư, nhóm nghiên cứu đề xuất TX. Tân Châu tập trung vào 3 trọng tâm: Quy hoạch đầu tư phục dựng không gian đô thị Tân Châu xưa, tạo ra sản phẩm lõi rất quan trọng, dựa trên tài nguyên văn hóa rất quý và có tính cạnh tranh cao là không gian đô thị - văn hóa độc đáo của một thị xã bên sông gắn liền với nghề dệt lụa; quy hoạch đầu tư bảo tồn và tạo thêm bản sắc cho khu vực văn hóa Chăm Islam hiện hữu ở làng Châu Phong; quy hoạch đầu tư cồn Vĩnh Hòa theo hướng DL để khai thác vị thế riêng trong ngành nuôi cá da trơn, giới thiệu Vĩnh Hòa ra bên ngoài theo giá trị định vị “Vương quốc cá basa”.

Trong mô hình giải pháp kết nối - liên kết, nhóm nghiên cứu đề xuất TX. Tân Châu tập trung vào 3 trọng tâm liên kết, là liên kết với các tour DL du thuyền theo sông Tiền để khai thác thị trường du khách TP. Hồ Chí Minh - Phnom Penh và liên kết với trung tâm DL tâm linh ở miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Đồng thời, khai thác thị trường DL ngách qua kênh DL du thuyền đường sông, tiếp cận với thị trường du khách ở TP. Châu Đốc.

Để phát triển sản phẩm DL Tân Châu, cần 4 sản phẩm lõi: Trải nghiệm Tân Châu xưa, xứ sở Islam, vương quốc cá tra và làng lụa Tân Châu; 3 nhóm sản phẩm tiện ích của DL Tân Châu, gồm: Giao thông DL, lưu trú, ẩm thực. Cùng với 2 nhóm sản phẩm bổ sung: Quà lưu niệm Tân Châu và “check-in” Tân Châu. Để phát triển thị trường Tân Châu, cần kết nối với thị trường du khách tâm linh miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và liên kết tour DL đường sông. Đồng thời, tăng cường quảng bá - marketing; đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp DL, năng lực tham gia DL cho người dân địa phương, năng lực quản lý và điều phối DL cộng đồng.

 

HẠNH CHÂU