Xây dựng Ninh Bình thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia

29/05/2021 - 08:09

Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch, hình thành các khu du lịch quốc gia, nhằm khai thác tiềm năng tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù gắn với thương hiệu "Ninh Bình - Tràng An" có tính cạnh tranh cao. Phát triển du lịch, đồng thời làm tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản, kết hợp bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đó là hướng đi chuyên nghiệp, bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.

Ưu tiên mục tiêu "kép"

Thời điểm này, những cánh đồng lúa trong khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) đang vào mùa chín rộ. Lúa lượn sóng, trải mầu vàng ruộm dọc đôi bờ sông Ngô Đồng xanh ngắt, uốn lượn theo những dãy núi đá vôi điệp trùng. Đồng lúa vàng ở Tam Cốc là một trong những cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam. Du lịch bằng thuyền vào mùa lúa vàng, hòa quyện non xanh, nước biếc, giữa không gian an lành, khiến du khách ngỡ như lạc vào chốn "bồng lai". Chính vì vậy, hằng năm, Ninh Bình thường tổ chức Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An". Năm 2021, nếu không có dịch Covid-19, thì tuần du lịch đã được coi là một hoạt động đặc sắc trong chuỗi các sự kiện Năm du lịch quốc gia - Ninh Bình 2021 với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm". Giám đốc điều hành khu du lịch Tam Cốc - Bích Động Hoàng Thanh Phong cho biết: "Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động phải tạm dừng đón khách từ hồi đầu tháng 5-2021 như nhiều khu, điểm du lịch khác ở tỉnh Ninh Bình theo đúng chỉ đạo của Sở Du lịch và của UBND tỉnh. Đó là giải pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh, dù mùa lúa đang dát vàng óng ánh trên cánh đồng Tam Cốc, đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Chống dịch Covid-19, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động bố trí trực 50% lãnh đạo, thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh bến thuyền, bãi đỗ xe, văn phòng làm việc; vận động các cơ sở tôn giáo, cơ sở thờ tự trong vùng không đón khách; kết hợp tổ chức nạo vét, hút bùn lòng sông Ngô Đồng, chờ cơ hội sẽ sẵn sàng đón khách du lịch khi có thông báo mới".

Cánh đồng lúa Tam Cốc bên dòng sông Ngô Đồng. Ảnh: LÊ HỒNG

Không chỉ toàn bộ các khu, điểm du lịch ở tỉnh Ninh Bình tạm dừng đón khách, mà 691 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở đây đều nêu cao tinh thần phòng, chống dịch Covid-19. Yêu cầu của ngành du lịch Ninh Bình đặt ra đối với các cơ sở lưu trú phải thực hiện nghiêm túc việc cung cấp "điểm đến an toàn". Họ phải tự đánh giá đúng mức độ an toàn về Covid-19; thường xuyên truy cập vào địa chỉ http://safe.tourism.com.vn để đăng ký tài khoản và tự đánh giá an toàn trong tình hình mới; hoặc đăng ký, đánh dấu vào mục cơ sở kinh doanh tạm dừng hoạt động; kết hợp công bố mã QR tại những nơi thuận lợi nhất. Điều đó giúp cho khách du lịch có thể kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng dịch vụ; hoặc có thể giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn".

Thực hiện mục tiêu "kép", thời gian qua, ngành du lịch Ninh Bình tích cực tham mưu cho tỉnh chỉ đạo đầu tư phát triển du lịch theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15, Nghị quyết số 02 của Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch và bảo tồn phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Những chỉ đạo định hướng đã giúp du lịch Ninh Bình phát triển khá nhanh, thu hút được hàng chục dự án từ nguồn vốn ngân sách, vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân phát triển du lịch. Điển hình là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường; Công ty cổ phần Inconess đầu tư 100 triệu USD xây dựng khu du lịch hồ Đồng Thái, huyện Yên Mô; Công ty cổ phần Du lịch Cúc Phương đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ở huyện miền núi Nho Quan; nhiều doanh nghiệp khác đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở lưu trú.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An đã tác động tích cực đến phát triển du lịch và việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình trên trường quốc tế. Điều đó góp phần cho tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông nghiệp xuống mức thấp nhất; tạo việc làm từ du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng. Riêng năm 2020, cho dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Ninh Bình vẫn giải quyết được việc làm cho 21.000 lao động.

Tạo điểm nhấn du lịch quốc gia

Tốc độ tăng trưởng du lịch ở Ninh Bình trong những năm qua rất chậm; chưa tạo được sự phát triển đột phá về quy mô, về chất lượng dịch vụ; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có thương hiệu, kinh nghiệm uy tín ở trong nước, quốc tế đầu tư vào du lịch; công tác quảng bá du lịch còn hạn chế...

Theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp du lịch tại Ninh Bình, nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do sản phẩm du lịch của tỉnh còn trùng lặp, đi ngược với nguyên tắc mỗi khu/điểm du lịch phải có sản phẩm đặc thù. Hạ tầng chưa đồng bộ; cơ chế chính sách về phát triển du lịch thiếu hấp dẫn, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chất lượng cao; các khu du lịch thiếu hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng xử của nhân viên du lịch ở một số khu điểm du lịch yếu; một số doanh nghiệp chưa quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Một số cơ sở kinh doanh du lịch cạnh tranh không lành mạnh: Không niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ du lịch; hoặc bán sản phẩm với giá chưa phù hợp chất lượng; công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số cơ sở còn yếu.

Hiện nay, công tác quản lý đất đai, hoạt động xây dựng trái phép của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống vẫn âm thầm diễn ra trong Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, trong đó, có nhiều vụ vi phạm kéo dài, chưa xử lý dứt điểm. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền chưa xác định đúng mức việc phát triển du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho tương lai.

Để khôi phục hoạt động du lịch trong lúc chờ thông báo mới, ngành du lịch Ninh Bình đang nỗ lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Trưởng phòng Thông tin, Sở Du lịch Ninh Bình Quách Thế Hải cho biết: "Nhóm vấn đề chuyển đổi số mà Sở Du lịch Ninh Bình đang thực hiện là xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành du lịch; xây dựng bản đồ số tương tác du lịch, lịch sử, văn hóa Ninh Bình; nâng cấp ứng dụng du lịch thông minh; xây dựng các trạm du lịch thông minh hỗ trợ khách du lịch tại trung tâm thành phố Ninh Bình, khu du lịch Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động và nhiều lĩnh vực khác. Mục đích là tăng giá trị, sức hấp dẫn của điểm đến và các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch. Đó là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về du lịch ở Ninh Bình".

Bên cạnh đó, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được tích cực triển khai theo Quyết định số 1124 của UBND tỉnh Ninh Bình. Mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình đặt ra là nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về tiềm năng du lịch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, mang thương hiệu "Ninh Bình - Tràng An", gắn với công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa và bảo đảm tốt các vấn đề an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hướng tới du lịch bền vững. Theo đó, hệ thống khu du lịch của tỉnh phát triển theo hai cấp độ, bao gồm hình thành khu du lịch quốc gia Tràng An và khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình. Đối với khu du lịch cấp tỉnh, thì có khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; khu đất ngập nước Vân Long; khu du lịch hồ Đồng Thái, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi cùng nhiều điểm du lịch là di tích lịch sử, văn hóa ở các huyện, thành phố trong tỉnh.

Việc định hướng rõ các khu chức năng phát triển du lịch dựa trên sự phân bố tài nguyên du lịch và hệ thống hạ tầng, sẽ giúp cho ngành chức năng, các huyện, thành phố của Ninh Bình có điều kiện ưu tiên đầu tư và mời gọi xã hội hóa phát triển du lịch; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch; tạo cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch; đào tạo nhân lực; xúc tiến đầu tư quảng bá các điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện; liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Theo LÊ HỒNG (Báo Nhân Dân)