Với mục tiêu chung là tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên (HSSV) để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa, thân thiện. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng nhân cách con người với những đức tính cao quý: nhân ái, nghĩa tình, trung trực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Đề án được chia thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020, ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HSSV được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Có ít nhất 90% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, cán bộ công đoàn giáo dục, đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên trong trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa. Ít nhất 90% trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường. Đến giai đoạn 2021-2025, ngoài việc 100% các trường học trong tỉnh phải duy trì, thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử theo quy định thì các mục tiêu vừa nêu phải đạt từ 95-100%.
Cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện, tích cực nơi học đường
Trên cơ sở bộ quy tắc ứng xử trong trường học do Bộ GD&ĐT ban hành, các cơ sở GD&ĐT phải xây dựng, thực hiện bộ quy tắc ứng xử với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, HSSV, cha mẹ học sinh… Bộ quy tắc ứng xử đó phải quy định ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phù hợp với lứa tuổi và cấp học với những việc nên làm và không nên làm (trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử). Và, người đứng đầu nhà trường có trách nhiệm quán triệt đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học biết và thực hiện bộ quy tắc ứng xử. Để phát huy tính hiệu quả, bộ quy tắc ứng xử ấy phải được niêm yết tại các bảng tin, bang thông báo, website của nhà trường, trong phòng học, phòng làm việc và những nơi cần thiết khác của nhà trường…
Cốt lõi của việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học nhằm bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, HSSV trong các cơ sở giáo dục; thể hiện được giá trị chủ yếu trong văn hóa ứng xử là: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo, vùng miền. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho nhà giáo, người học. Đặc biệt, việc xây dựng văn hóa ứng xử không chỉ là đổi mới nội dung, mà còn đi đôi với việc đổi mới phương pháp và hình thức. Đó có thể là đa dạng hóa hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các hoạt động tập thể, câu lạc bộ, diễn đàn, tọa đàm… hoặc có thể là phát huy vai trò hướng dẫn về ứng xử văn hóa của học sinh khóa học trước đối với các học sinh khóa sau. Tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần phát huy vai trò trong tổ chức đa dạng hình thức giáo dục ứng xử văn hóa thông qua hoạt động hát Quốc ca, lễ chào cờ Tổ quốc (tôn trọng giá trị lịch sử, thể hiện tinh thần yêu nước) và các hoạt động tập thể. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần tăng cường giáo dục định hướng cho HSSV sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin để biết cách tự bảo vệ mình khi sử dụng mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, khởi nghiệp, giải trí lành mạnh; thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng…
Đề án xây dựng văn hóa ứng xử là bước đi đúng đắn để xây dựng lại hình ảnh đẹp về một nghề cao quý, giúp môi trường giáo dục ngày càng nhân văn hơn, để mỗi ngày đến trường là một niềm vui của thầy và trò.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN